Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở thành Di tích quốc gia đặc biệt
Tới dự lễ có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo TP Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương, Trưởng văn phòng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và đông đảo nhân dân thủ đô.
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi lễ dâng hương các bậc tiên thánh, tiên hiền, tiên nho đang tôn thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hai bằng công nhận đã được Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam trang trọng trao cho lãnh đạo TP Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn của nhân dân thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Trong những năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa chỉ tham quan, tìm hiểu, học tập của nhân dân trong nước và du khách quốc tế cùng nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Di tích làm rạng rỡ văn hóa, lịch sử sâu rộng của dân tộc Việt Nam; tôn vinh nền văn hóa, nền giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, quý đức, quý tài của dân tộc Việt Nam. Thành phố Hà Nội nhiều năm qua đã đóng góp công sức và trí tuệ cho bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị di tích đặc biệt quan trọng này... Chúng ta tin rằng, lãnh đạo thủ đô, ngành văn hóa, giáo dục thủ đô, mỗi gia đình và người dân thủ đô có những sáng kiến và cách làm riêng của mình để con cháu thủ đô và thanh niên Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về truyền thống hiếu học để giữ nước, phát triển đất nước, phát triển quê hương, phát triển mỗi gia đình”.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Hà Nội cam kết tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, di sản quý báu này. Đồng thời, thành phố mong nhận được sự hợp tác, giúp đỡ tích cực hơn nữa của các ngành, các cấp, của đồng bào thủ đô và cả nước, của các tổ chức quốc tế để gìn giữ di sản”.
Sau những nghi lễ quan trọng, buổi lễ tiếp nối bằng chương trình văn nghệ đặc sắc với những ca khúc, màn múa, trích đoạn tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám như: “Văn Miếu hoài niệm”, “Thư pháp”, “Vinh quy bái tổ”... cùng phóng sự về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và hệ thống 82 bia đá tiến sĩ.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử, văn hóa Nho học tiêu biểu bậc nhất của thủ đô và cả nước. Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn giữ vai trò là trung tâm thờ tự, giáo dục Nho học lớn nhất, nơi đào tạo ra hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước trong suốt thời kỳ phong kiến độc lập. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và nhiều hiện vật quý như gác Khuê Văn, bia Tiến sĩ, điện Đại Thành, tượng thờ, hệ thống hoành phi đại tự với nội dung ca ngợi, biểu dương truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài./.