Thắng cảnh Bàn Than (Quảng Nam): “Hợp ca” của đá và nước
Nếu bãi Nồm rộng lớn, thơ mộng, hữu tình và khoáng đạt như một chốn thần tiên thì bãi Bắc lại hiểm trở với vách đá sát núi dựng đứng, vực khe sâu hoắm. Hình thái đá cũng có sự đổi khác ở hai khu vực này. Đá ở bãi Bắc vạm vỡ xếp chồng lên nhau theo dạng bậc thang, còn đá ở bãi Nồm lại trải rộng ra trên một địa hình tương đối bằng phẳng. Ngạc nhiên hơn tại bãi Nồm là sự xuất hiện của những tảng đá tổ ong to lớn nằm xen lẫn hoặc xếp chồng lên những khối đá than đen thẫm. Đá ong tại khu vực này tuy chỉ lưa thưa nhưng cũng đủ điểm xuyết cho không gian thêm đa sắc, đa chiều. Nổi bật lên trên nền biển xanh là hai tảng đá sừng sững mà dân gian vẫn gọi tên là “ông Đụn - bà Che”. “Ông Đụn” mang dáng dấp to lớn hiên ngang của người chồng phóng tầm mắt ra phía nghìn trùng khơi xa ngóng đợi đứa con về. “Bà Che” nép vào phía trong như người vợ tào khang, suốt đời tận tụy, chăm chút cho chồng. Câu chuyện cảm động về sự tích ông Đụn – bà Che hóa thân vào đá ngày nào vẫn còn được người dân xứ biển gìn giữ truyền tụng mãi cho tới hôm nay, như một niềm thương cảm vô bờ bến về sự mong manh của nghề chài lưới và tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt của con người nơi đây.
Từ khơi xa, ánh hoàng hôn thật khẽ khàng đã choàng đôi tay êm ả lên tảng đá ông Đụn - bà Che. Ở giữa khoảng không của hai tảng đá ấy, nhiều người đã nhìn ra hình thù của đá mang dáng dấp một đôi mắt đang mở to. Giọt nắng cuối ngày rớt vào khe mắt ấy bỗng hóa thành khoảng không thênh thang. Leo ngược lên dốc đá ở bãi Bắc, là đến đỉnh núi Bàn Than. Trước khi men theo con đường lau lách để trở về, hãy thật khẽ khàng để ngắm nhìn một lần nữa quang cảnh đẹp đẽ nơi đây, để lắng nghe thật sâu giai điệu du dương của đá và nước Bàn Than như một lời tự tình muôn thuở…