Non nước Việt Nam

Viếng thăm nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử ở Hưng Yên

Cập nhật: 19/03/2013 15:03:10
Số lần đọc: 3847
Từ Hà Nội, xuôi mái chèo theo dòng sông Hồng chừng 20km, cập bến Bình Minh, du khách sẽ được đắm mình giữa mênh mông sóng nước tựa bồng lai tiên cảnh. Bên hữu ngạn là bãi “Tự nhiên” được tạo bởi dải đất phù sa màu mỡ ven sông Hồng, bên tả là bến thuyền với khu đền Đa Hòa là nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Được nhân dân tôn tạo năm 1894 trên nền của một ngôi đền cổ, đền Đa Hòa tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 19.000m2. Cả quần thể di tích nằm giữa bạt ngàn cây lá xanh mướt. Những tán cây cổ thụ quý như gạo đỏ, sưa, roi ôm trọn khu di tích vào lòng. Vào mùa xuân hoa sưa nở trắng ngần thanh khiết như những áng mây trắng trôi bồng bềnh giữa khu di tích. Khi chớm hạ, đền Đa Hòa chìm trong một màu đỏ rực của hoa gạo. Quần thể đền Đa Hòa gồm 18 tòa lớn nhỏ, mái hình con thuyền được đỡ bởi hai con vật mình rồng, mặt sư tử tạo nên một hình khối kiến trúc vô tiền khoáng hậu. Nhìn từ trên cao, quần thể di tích tựa 18 con thuyền rồng đang quần tụ giữa bạt ngàn sóng nước.

 

Bước chân lên bến Bình Minh, ấn tượng đầu tiên với du khách là nhà bia mang bức đại tự “Trấn Giang Lâu” nằm lặng lẽ soi bóng bên dòng Hồng Giang trầm mặc. Xuyên qua con đường lát gạch phủ rêu giữa hai hàng cây gạo mở ra một không gian xanh mát thoáng đãng. Hai cột đá lớn hai bên cao vút với đôi lân ngự trên đỉnh quay đầu vào lối đi là điểm nhấn đầu tiên khiến du khách đến thăm không khỏi ngỡ ngàng. Qua hai trụ đá là tòa tam quan với ba gian rộng lớn trên có đắp nổi tượng lưỡng long chầu nguyệt, trước cửa là tấm đại tự lớn sơn son thiếp vàng mang bốn chữ “Bồng Lai Cung Quyết”. Phía mặt tiền của nghi môn, hai bên tả hữu là nhà chuông, khánh. Phía trong khoảng sân rộng sau tam quan là các tòa nhà Đại tế, Thiên Hương, cung Đệ Nhị, Đệ Tam và Hậu cung. Nối liền các cung là hai tòa Thảo xá, Thảo bạt và hai nhà Ngự, nhà Pháo đối diện nhau. Tất cả khuôn viên tạo nên một quần thể cổ kính, trang nghiêm.

 

Tòa nhà Thiên Hương là điểm nhấn của kiến trúc đền Đa Hòa. Toàn bộ phần mái gồm 2 tầng, 8 mái cong được lợp bằng ngói vảy cá, đầu đao cong được đỡ bởi 8 cột gỗ. Tất cả các đầu kê xà ngang, xà đùi của tòa nhà này đều được tạc cách điệu hình những con lân mặt rồng, mình sư tử, dưới các đấu là hình búp sen bằng gỗ. Bức đại tự “Giao Quang Các” (nơi ánh sáng hội tụ) và đôi câu đối nói về nhân duyên và truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung đều được chạm trổ những hoa văn hình chim phượng, tứ linh rất tinh xảo. Hậu cung là nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân. Điều đặc biệt là các pho tượng tại đây được đúc bằng đồng với tầm vóc tựa người thật với khuôn dung trông rất thần thái. Chính giữa là tượng Đức Thánh Chử Đồng Tử, bên tả là Tiên Dung công chúa và bên trái là Tây Sa công chúa. Hai bên là ban thờ thân mẫu và thân phụ của Đức Thánh Chử Đồng Tử. Ngoài ba pho tượng quý, hiện nay tại đền Đa Hòa còn giữ được nhiều sắc phong và đặc biệt là đôi lộc bình Bách Thọ với một trăm chữ “Thọ” được trạm khắc tinh xảo trên thành lọ bằng gốm.

 

Với giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, mĩ thuật độc đáo, quần thể di tích đền Đa Hòa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (lễ hội đền Đa Hòa) được tổ chức hằng năm từ ngày 10 đến 12/2 âm lịch với lễ rước nước và du thuyền trên sông cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và người dân có cuộc sống an lạc, no ấm./.

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT