Non nước Việt Nam

Kiên Giang: Đền thờ Nguyễn Trung Trực thu hút khách du lịch

Cập nhật: 25/03/2013 15:23:30
Số lần đọc: 3614
Trong hành trình du lịch qua Rạch Giá (Kiên Giang), đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực luôn là điểm dừng chân để du khách viếng thăm và chiêm bái người anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đây là ngôi đền lớn nhất trong số chín ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngôi đền nằm đối diện dòng sông êm đềm, ngay sát cửa biển, rợp mát bóng cây bồ đề xanh tốt. Mặt đền quay ra cửa biển và cách biển khoảng 100 m nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Bước qua cổng đền là bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng trông oai nghiêm, sống động với khí thế trung nghĩa, bất khuất. Trong khuôn viên, ngoài bức tượng còn có ngôi mộ của ông được xây vào năm 1986.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực.

Về mặt kiến trúc, đền Nguyễn Trung Trực được khởi dựng năm 1869 sau khi cụ mất, lúc đầu chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do dân chài dựng lên để thờ Thần Nam Hải (Cá voi). Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm Chính điện, Đông lang và Tây lang. Cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói. Được xây dựng theo phong cách truyền thống, mái đình cong lợp ngói âm dương, trên nóc đắp hình lưỡng long tranh châu, sơn màu đỏ ngời lên vẻ tôn nghiêm. Điện thờ chính có những vật dụng thường thấy trong các ngôi đình Nam bộ. Những giá đặt binh khí ánh lên sắc đồng mạnh mẽ.

Đến đền thờ Nguyễn Trung Trực, cảm giác đầu tiên của du khách là không gian thanh tịnh, tạo cảm giác tôn nghiêm, thành kính. Bên cạnh đền thờ Nguyễn Trung Trực còn có phòng thuốc nam với các lương y giỏi bắt mạch, kê toa, châm cứu miễn phí. Hàng ngày đền nhộn nhịp người ra vào để chữa bệnh, bốc thuốc, làm công đức. Với những việc làm y đức chữa bệnh cứu người, phòng thuốc nam đã được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen ngợi.

Mẫu tàu chiến Pháp từng bị đoàn quân của Nguyễn Trung Trực đốt cháy.

Theo nhiều tài liệu, Nguyễn Trung Trực sinh năm 1837, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), tên tục gọi là Quản Chơn hay Quản Lịch. Ông vốn thẳng tính nên nhiều người gọi là Nguyễn Trung Trực. Sự nghiệp chống giặc ngoại xâm lẫy lừng khiến ông trở thành vị thần trong lòng dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được nhiều người biết đến chiến công vang dội đốt cháy tàu Espérance (Hy vọng) của Pháp năm 1861 trên vàm Nhật Tảo và trận đánh Rạch Giá (Kiên Giang) 16/6/1968.

Trận đầu tiên diễn ra vào năm 1861 trên vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ngày nay). Ông và các nghĩa binh là nông dân giả làm đám rước dâu trên sông để tiếp cận và đốt cháy tàu L’Espérance của quân Pháp. Tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực vang dội, làm binh lính Pháp phải dè dặt. Uy tín của ông đã lan rộng nên dễ dàng tập hợp được người yêu nước trong cộng đồng Kinh - Hoa - Khmer ở địa phương.

Trong trận đánh ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực dẫn quân xuất phát từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) đánh úp đồn Rạch Giá (Kiên Giang), gây hoang mang trong quân lính Pháp. Sau đó, quân Pháp tăng cường quân càn quét, Nguyễn Trung Trực kéo quân về Hòn Chông - Kiên Lương rồi ra Phú Quốc để tiếp tục chiến đấu. Nhưng quân Pháp quá mạnh, ông bị bắt, cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực sớm kết thúc. Sau đó, ông bị xử chém đầu tại chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, hưởng dương 31 tuổi. Hay tin, người dân Tà Niên dệt một chiếc chiếu dài trải xuống đất chỗ ông đứng khi bị xử tử để tỏ lòng tôn kính. Trước khi chết, Nguyễn Trung Trực yêu cầu bọn lính mở trói và tháo bỏ khăn bịt mắt để nhìn thấy người dân và quê hương. Ông dõng dạc hô lớn:“Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Sau đó, người dân địa phương đã đưa bài vị của ông về thờ tại ngôi đền nguyên trước đó là nơi thờ vị Nam hải đại tướng quân, tức cá ông chuyên cứu ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi. Người dân ở ĐBSCL xem Nguyễn Trung Trực như một vị thần có công trạng lớn với đất nước. Đặc biệt, ngư dân Kiên Giang tin rằng Nguyễn Trung Trực là một vị thần che chở họ trong những lúc mưa to sóng lớn, phù hộ cho họ được những chuyến đi biển trĩu nặng cá tôm...

Chiếc chiếu cổ trong đền thờ Nguyễn Trung Trực.

Từ đó, theo truyền thống, hàng năm, vào ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch, tại đền thờ có tổ chức lễ hội trọng thể kỷ niệm ngày mất của ông. Trước hội khoảng một tuần, hàng trăm người từ các tỉnh ĐBSCL kéo về đền dự lễ giỗ Nguyễn Trung Trực. Người ta tôn kính gọi là đi “cúng đình”. Dù bận bịu đến đâu, bà con cũng thu xếp để về cho kịp ngày cúng đình chính thức vào các ngày 27 và 29 tháng 8 âm lịch. Bà con lưu truyền hai câu lục bát:

Dù ai buôn bán gần xa,
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.

Vào ngày hội đền, người ta tổ chức nghi lễ cúng tế và diễn lại trận đánh chìm tàu Hy Vọng của Pháp trên sông Nhật Tảo. Bên cạnh đó, còn tổ chức các sinh hoạt văn hóa truyền thống như đua thuyền, đánh cờ...

Đền và mộ Nguyễn Trung Trực đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 6/12/1989. Năm 2012, tỉnh Kiên Giang tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Trung Trực để xứng tầm là điểm du lịch không thể thiếu khi đến Kiên Giang. Đây là nơi lưu giữ những chiến tích, kỷ vật, hiện vật về thân thế sự nghiệp, chiến công lừng lẫy của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đồng thời cũng là điều kiện tốt trong việc giáo dục lịch sử lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về vị Anh hùng yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm./.

Nguồn: Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT