Non nước Việt Nam

Quan Lạn - Bình yên và hoang sơ

Cập nhật: 29/03/2013 10:05:51
Số lần đọc: 3808
Nằm trong vùng Vịnh Bái Tử Long, từ lâu Quan Lạn đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến huyện đảo Vân Đồn. Những năm gần đây, mỗi khi mùa hè đến, hòn đảo xinh đẹp này đã thu hút một lượng khách du lịch khá đông đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bờ cát trắng mịn trải dài của Quan Lạn. Ảnh PH
Là một trong 5 xã đảo thuộc tuyến đảo Vân Hải, huyện Vân Đồn, có thể nói Quan Lạn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Nơi đây, không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn lưu giữ được rất nhiều giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời. Toàn đảo có diện tích gần 7.000ha, trải dài theo hướng đông tây, từ chân núi Vân Đồn tới núi Gót, những ngọn núi cao phía đông như bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi, bảo vệ cho ngư dân trên đảo. Chạy dọc suốt theo hai bên đảo là những bãi cát dài hàng chục km. Đây cũng là nguồn nguyên liệu làm thuỷ tinh vô tận của biển cả dành cho con người và tài nguyên phát triển du lịch rất hấp dẫn.Nhưng có lẽ điều hấp dẫn du khách nhất khi đặt chân đến đây, đó là bãi biển. Quan Lạn sở hữu bãi tắm đẹp nổi tiếng với những bãi tắm như Sơn Hào, Quan Lạn... Điều đáng nói là bãi tắm ở đây cho đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn được vẻ đẹp hoang sơ, môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm. Nước biển ở đây xanh ngắt, sóng to, cát trắng trải dài tới vài, ba cây số. Cách mép nước khoảng mấy chục mét là những bãi dứa dại, rừng phi lao xanh ngát làm cho bãi tắm càng có vẻ hoang sơ hơn. Hiện nay, ngoài hệ thống nhà nghỉ tư nhân, Quan Lạn đã được Công ty CP Viglacera đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, với hàng chục villa, nhà sàn, nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ cho khách tham quan du lịch khi đến đảo.

Không chỉ có bãi tắm đẹp, đến Quan Lạn, du khách còn được tham quan các di tích văn hoá, lịch sử như: Đình Quan Lạn được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Hiện nay, ngôi đình này vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn các đường nét hoa văn chạm khắc tinh xảo. Trong đình còn lưu giữ được 18 bản sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến thời vua Bảo Đại. Đình Quan Lạn thờ thành hoàng làng, các vị tiên công lập ấp dựng làng, sau đó thờ Trần Khánh Dư, vị tướng có công lớn trong trận đánh thuyền lương giặc Nguyên - Mông... Ngoài ra, đình Quan Lạn còn thờ cả Dương Không Lộ và “Tứ vị Thánh nương” là những vị thần che chở cho những người đi biển.

Bên cạnh đình Quan Lạn còn có chùa Quan Lạn, chùa có lối kiến trúc giản dị, với 3 gian, phía sau nhô ra một hậu cung. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Chùa Quan Lạn thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Trong chùa còn có tượng cụ Hậu, một người dân địa phương đóng góp nhiều công sức xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hoà, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của chùa. Cạnh chùa Quan Lạn còn có Miếu, Nghè Quan Lạn. Miếu Quan Lạn thờ ba anh em họ Phạm gồm miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, miếu Sao Ỏn thờ Phạm Quý Công và miếu Đồng Hồ thờ Phạm Thuần Dụng, vị trí miếu gắn với nơi mà theo dân gian truyền tụng là xác các ông khi chết đã trôi dạt vào. Ba ông đều là bộ tướng của Trần Khánh Dư, những người đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh trong trận Vân Đồn - Cửa Lục chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288. Cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn thực sự là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân biển.

Chưa hết, đến Quan Lạn, ngoài tắm biển, tham quan các cụm di tích lịch sử trên đảo, du khách còn được thưởng thức các loại hải sản quý hiếm từ biển cả mang lại như: Sá sùng, mực, cá chim, cá thu, hải sâm… với hương vị đặc biệt mà không phải nơi đâu cũng có được.

Nếu chưa đến Quan Lạn, bạn hãy thử một lần đến đó nhé. Quan Lạn đẹp, bình yên và hoang sơ lắm!
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT