Non nước Việt Nam

10 năm bảo tồn, phát triển Nhã nhạc Cung đình Huế

Cập nhật: 01/10/2013 08:24:52
Số lần đọc: 2572
Tháng 11/2003, Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại tại cuộc họp Đại hội đồng thường niên. Kể từ đó đến nay, Nhã nhạc Cung đình Huế luôn được các cấp, các ngành chức năng cùng nhân dân Huế quan tâm, bảo vệ và từng bước phát huy.
Bộ Biên chung - một loại nhạc khí của Nhã nhạc  Cung đình Việt Nam vừa được phục chế. (Ảnh: Đình Tăng).
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngay sau khi Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, Trung tâm đã từng bước đầu tư bảo tồn và phát huy, góp phần đưa Nhã nhạc Cung đình Huế đến với công chúng, nhất là khách du lịch trong nước và quốc tế. Một trong những hoạt động có ý nghĩa là Trung tâm đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để trùng tu và đưa Nhà hát Duyệt thị Đường ở Đại nội Huế vào hoạt động, phục vụ du khách tham quan, du lịch tại đây. Nhã nhạc Cung đình Huế được đưa vào biểu diễn, giúp cho du khách hiểu hơn về những giá trị văn hóa độc đáo của Nhã nhạc, đồng thời cũng là cơ sở, nền tảng để các nhạc công Nhã nhạc trau dồi, phát huy.

Cùng với việc trùng tu và đưa Nhà hát Duyệt Thị Đường vào hoạt động, trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, bảo tồn và dàn dựng các nghi lễ tế; phục hồi gần 20 điệu múa cung đình; dựng một số vở tuồng cổ đáp ứng cho các lễ hội và giao lưu văn hóa. Đặc biệt, Trung tâm đã phục chế bộ Biên chung - một loại nhạc cụ của Nhã nhạc Cung đình Việt Nam đã bị thất lạc hơn một trăm năm qua.

Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn chú ý đến công tác mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ cho các thế hệ nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc công của Nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế. Đặc biệt, việc thí điểm giáo dục di sản cho giới trẻ tại các trường học cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Trong khi đó, tại các kỳ Festival Huế, Nhã nhạc đã được đưa vào chương trình trình diễn chính tại các lễ tế như: Lễ tế đình Nam Giao, Lễ tế Đàn Xã tắc…

Khẳng định những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững Di sản thế giới ở Việt Nam - Nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của di sản Huế” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức mới đây, rất nhiều ý kiến cho rằng nhờ làm tốt công tác bảo tồn mà Nhã nhạc đã được phục hồi, giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa Huế cũng như từng bước giới thiệu đến với bạn bè quốc tế.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, trải qua 10 năm sau khi được UNESCO công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, với nhiều nỗ lực ở cả trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn, đến nay Nhã nhạc Cung đình Huế đã cơ bản được hồi sinh và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. TS Lê Thị Minh Lý cũng cho cho rằng, truyền dạy Nhã nhạc là biện pháp khó nhất trong số các biện pháp bảo vệ di sản, bởi nó liên quan đến nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững. Với định hướng đưa Nhã nhạc vào cuộc sống đương đại, bước đầu đã hình thành được đội ngũ kế tục di sản.

TS Lê Thị Minh Lý cho biết thêm, 10 năm qua, các nghệ nhân lớn tuổi đã giúp các nhạc công trẻ nâng cao nhận thức về di sản, trao truyền cho thế hệ trẻ những ngón nghề và cả kỹ năng biểu diễn. Đây là một trong những hoạt động được UNESCO đánh giá cao trong công tác bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế.

GS.TS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, thành viên danh dự của Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO cho rằng, việc bảo tồn, phục dựng Nhã nhạc có rất nhiều yếu tố quan trọng phải được chú ý. Trong đó, về trang phục của các nhạc công trình diễn Nhã nhạc cần điều chỉnh cho thật giống ngày xưa. Bên cạnh đó, nhạc khí cũng phải phục dựng lại cho đúng phong cách của nhạc khí dùng trong Nhã nhạc ngày xưa: Đàn tỳ bà phải có 4 tượng bằng ngà hay bằng xương, đàn nguyệt chỉ có 8 phím trúc thay vì 12 phím như cây đàn nguyệt dùng trong chầu văn, đàn nhị phải có ống bằng gỗ, mặt đàn tròn chứ không phải hình bát giác. Đồng thời, khi biểu diễn, phải tập trung để đàn cho có “thần”.

GS.TS Trần Văn Khê cho rằng, ngoài việc bảo tồn còn phải nghĩ đến việc phát triển bằng cách tìm lại những bài bản xưa. Các nghệ nhân khi nắm vững tay nghề có thể sáng tác một vài bản theo phong cách xưa mà diễn tả những tình tiết ngày nay.

Chia sẻ những nhận định của mình về kết quả công tác bảo tồn, phát huy Nhã nhạc Cung đình Huế trong 10 năm qua, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khẳng định, 10 năm chưa phải là đoạn đường dài nhưng công tác này đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện đúng mức, đúng với những tiêu chuẩn của di sản mà quốc tế đã nêu ra. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức được nhiều lớp nhạc công với các học viên trẻ. Đây là đội ngũ tiếp nối rất cần thiết. Chính đội ngũ này sẽ thông qua các buổi biểu diễn, chương trình biểu diễn, thậm chí có những nhạc công trẻ còn tham gia các hoạt động hòa đàm, hòa tấu. Như thế cũng có nghĩa là đã làm cho Nhã nhạc lan tỏa trong cộng đồng.

GS Tô Ngọc Thanh cũng cho rằng, sau khi đưa vào biểu diễn chính thức tại Nhà hát Duyệt Thị Đường ở Đại nội, Nhã nhạc đang trở thành thể loại âm nhạc phục vụ cho nhiều đối tượng của xã hội hiện đại. Đồng thời, chúng ta cũng đã đưa Nhã nhạc đi trình diễn tại một số nước và một số liên hoan văn hóa, văn nghệ quốc tế… Đây cũng là một kênh quan trọng để tiếp tục quảng bá, phát huy giá trị của Nhã nhạc trong bối cảnh mới khi đất nước đang hội nhập./.


Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT