Non nước Việt Nam

Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) gìn giữ bản sắc văn hoá đặc trưng

Cập nhật: 03/10/2013 09:14:41
Số lần đọc: 3540
Là một huyện miền núi với 9 dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo cho Ba Chẽ những đặc trưng văn hoá khác nhau. Nhằm phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ trong cộng đồng dân cư, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, những năm qua, Ba Chẽ đã không ngừng chú trọng giữ gìn và phát huy những vốn quý của nền văn hoá truyền thống, giữ gìn bản sắc riêng của các dân tộc.
Lễ hội đình Làng Dạ - một trong những lễ hội xuân lớn nhất của huyện Ba Chẽ.
Một trong những thành công lớn của Ba Chẽ trong những năm gần đây chính là việc phục dựng thành công Lễ hội đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm) đã bị gián đoạn từ năm 1946. Đình Làng Dạ xưa là nơi thờ thần nông, thổ địa và thành hoàng làng có công khai hoang lập làng, là nơi sinh hoạt văn hoá của đồng bào các dân tộc xã Thanh Lâm và một số xã lân cận. Đặc biệt, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Làng Dạ là nơi Đảng bộ huyện Ba Chẽ được thành lập; nơi Uỷ ban Hành chính kháng chiến của huyện làm lễ ra mắt. Năm 2003, di tích đình Làng Dạ đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là di tích lịch sử. Đây cũng là dịp quan trọng để tổ chức lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao - một trong hai di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của Quảng Ninh được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch lựa chọn vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Năm 2009, sau rất nhiều cố gắng của huyện trong việc sưu tầm, nghiên cứu đến việc tuyên truyền, quảng bá lễ hội đã được Sở VH-TT&DL tổ chức phục dựng theo đúng nghi thức truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ. Từ đó đến nay lễ hội được tổ chức hằng năm và là một trong những lễ hội xuân lớn nhất của huyện Ba Chẽ được hàng nghìn người dân địa phương mong chờ. Ngoài ra huyện cũng tổ chức và duy trì các lễ hội khác như hội Lồng Tồng, lễ hội Phùn Voòng…

Ông Vi Văn Dũng, Phó phòng Văn hoá và Thông tin huyện cho biết: “Để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời làm nền tảng tinh thần và là động lực, nhân tố thúc đẩy huyện Ba Chẽ phát triển hiện đại, giàu bản sắc cũng như ngăn chặn sự xuống cấp của các di tích, sự mai một của văn hoá phi vật thể. Đặc biệt, sau khi Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá huyện Ba Chẽ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020” được phê duyệt, từ tháng 5 đến 8-2013, huyện đã tổ chức xong lớp học tiếng dân tộc Dao Thanh Phán cho các cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục của huyện. Từ tháng 9, huyện đã triển khai mở 1 lớp hát đối truyền thống của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn với sự tham gia của 21 học viên. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục mở lớp truyền dạy: Hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay; hát then của dân tộc Tày; kỹ thuật thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán và tổ chức dạy tiếng Dao cho toàn thể cán bộ, công chức trên địa bàn huyện.

Song song với việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hoá phi vật thể, công tác bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hoá phi vật thể cũng luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Đối với  di tích Miếu Ông  (xã Nam Sơn, nằm trong quần thể Miếu Ông, Miếu Bà) đã hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch trình Sở Xây dựng thẩm định, dự kiến hoàn thành quy hoạch trong năm 2013. Công trình hiện đã được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện quyên góp công đức gần 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc trùng tu tôn tạo di tích Miếu Bà cũng đang được triển khai thi công phần hạ tầng như: Kè, sân và đường lên miếu. Dự kiến hoàn thành hạng mục trên trong tháng 10-2013 và triển khai tôn tạo nhà miếu vào tháng 11-2013, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014. Đối với di tích Lò sứ cổ (xã Nam Sơn), dự kiến cuối năm 2013 sẽ được triển khai cắm mốc bảo vệ khu di tích. Riêng đối với Khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh (xã Lương Mông), huyện đã hoàn thành hồ sơ cắm mốc và triển khai cắm mốc trong tháng 9 vừa qua. Đối với Nhà truyền thống các dân tộc huyện Ba Chẽ, đã hoàn thiện phê duyệt nhiệm vụ hồ sơ quy hoạch, quy hoạch chi tiết trong tháng 9-2013. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành xây dựng trong năm 2014.

Có thể khẳng định rằng, việc Ba Chẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc đã góp phần tạo dựng đời sống vật chất tinh thần phong phú cho bà con dân tộc và hình thành những nét văn hoá đặc trưng cho huyện. Qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện và là động lực để thúc đẩy Ba Chẽ phát triển KT-XH, đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng./.
Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT