Non nước Việt Nam

Lễ cúng cơm mới của người Tày ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang)

Cập nhật: 11/10/2013 08:03:57
Số lần đọc: 3212
Tháng 8, tháng 9 âm lịch hàng năm, bà con thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) lại tổ chức cúng “cơm mới”. Đây là hình thức “Nộp thuế cho người âm”; cúng trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, bày tỏ sự biết ơn, tôn kính tới các vị thần linh, tổ tiên, cầu an cho gia đình, dòng tộc.

Để tổ chức lễ cúng “cơm mới”, gia đình phải xem ngày, chọn thầy bụt hợp mạng, hợp tuổi. Lễ cúng “cơm mới” được diễn ra 2 ngày, 1 đêm (chủ yếu làm ban đêm) và được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đồ lễ cúng là những sản vật tự làm ra như: Lợn, gà, xôi, gạo, rượu, cốm, tiền vàng, hương, bông lấu (cơm chín trộn với rượu, sau đó lót lá chuối lên trên, cứ 1 lượt cơm rượu lại lót 1lượt lá chuối, tất cả 6 lượt, đựng trong một chiếc giỏ tre nhỏ), cờ vàng, cờ đỏ...

 Lễ cúng cần 4 thầy: Thầy then (chủ nhà), thầy bụt, 2 thầy phụ. Đặc biệt, trong 2 ngày làm lễ, các thầy phải ăn chay, không sát sinh, mọi người trong gia đình, dòng tộc được ăn thịt nhưng không nói tục, đánh nhau.  Gia đình làm lễ có 3 bàn thờ, gồm 2 ban thờ tổ tiên, 1 ban thờ kho. Ban kho thờ 5 vị thần : Bụt Coóc Nà (tạo ruộng, tạo vườn), thầy then đàn tính, thầy then quạt, tướng phù thủy, bụt người Hoa. Trước buổi lễ, cốm nấu chín cho vào 5 chiếc cặp lồng đặt ở trong kho. Một trong 5 kho luôn đóng, chỉ được mở vào ngày cúng “cơm mới”.

Khi đồ cúng được bày xong, thầy then (chủ gia đình) thắp hương báo cáo, mời 5 vị thần trong kho, tổ tiên về dự lễ. Mời lần lượt từng người, sau đó thầy then và thầy bụt đốt vàng bạc, bắt đầu làm lễ. Thầy then mặc áo đỏ, trùm khăn đỏ, đánh đàn tính và hát then. Trong khi đó, thầy bụt dùng dao gỗ niệm chú cho chiếc ghế mình ngồi để trừ tà ma. Trước khi hành lễ, thầy bụt tung cái thén lên để xin “ma nhà” nhập vào mình; sau đó, thầy bụt bắt đầu quấn khăn, mặc áo đỏ và trải khăn đỏ lên chiếc ghế gỗ. Thầy bụt dùng lá thanh thảo đã được nhúng trong bát nước nóng để tẩy uế và làm sạch hết mọi vật xung quanh ban thờ.  


Tiếp theo, gia đình chuẩn bị một khay lễ để đón thần linh và tổ tiên về. Trên khay được trải giấy hồng, có một khúc chuối để cắm 12 que hương, dưới chân hương được quấn giấy hồng rất cẩn thận. Thầy bụt mời lần lượt từng người về nhận lễ (bụt Coóc Nà, thầy then đàn tính, thầy then quạt, tướng phù thủy, bụt người Hoa và tổ tiên). Đọc đến người nào, thầy phụ thắp hương (2 que/lần). Lần lượt 12 que hương được châm hết, như vậy đã đón được các thần linh và tổ tiên về. Trong buổi lễ, thầy bụt cúng bằng tiếng Tày, tay trái xóc chuông, tay phải cầm quạt. Các bài cúng có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Khi tổ tiên và các vị thần trong kho đã nhận được lễ vật của gia đình, thì thầy then và thầy bụt cúng xong lần 1.


Cúng lần 2, gia đình chuẩn bị 6 mâm chay: Gồm vàng hương, quả đu đủ tượng trưng cho con lợn... Cúng lần 2, thầy then và thầy bụt sẽ đi nộp lễ cho cha trên (trời). Bước đầu là phân lễ, thầy then sẽ hát then qua 12 phủ, khi đến cổng thầy bụt sẽ trực tiếp vào nộp lễ cho cha trên (trời). Sau đó, thầy bụt báo cáo lên cha trên (trời), gia đình đã nộp đầy đủ lễ, thầy then sẽ vái tạ. Trên đường đi sẽ mang những mâm chay này để phát cho các vong hồn cơ nhỡ, không nơi nương tựa.


Trong khi các thầy làm lễ, ngoài sân các cô gái giã cốm. Người Tày nơi đây có tục lệ chỉ giã cốm vào 1 ngày duy nhất trong năm, khi đã nộp cốm vào trong kho. Có rất nhiều kiểu giã cốm như: Tăm húc mừ, tăm húc hà, phạt máy, phạt mác, giao duyên... Mỗi kiểu có âm thanh, nhịp điệu, cách giã khác nhau, lúc trầm, lúc vang...


Sáng hôm sau, thầy then mang cốm trong kho xuống, múc ra 6 bát mời các vị thần linh, tổ tiên về ăn; khi đó, người con trưởng sẽ đại diện cho dòng họ sẽ ra vái lạy, lễ tạ. Gia đình chuẩn bị một mâm lễ gồm 1 con lợn con đã luộc chín, xôi gà, tiền vàng... để cúng ngoài trời.


Khi buổi lễ kết thúc, gia đình đóng kho thờ lại, đến lễ cúng năm sau mới được mở. Buổi trưa, con cháu, họ tộc cùng bà con thôn bản cùng ăn uống chia vui với gia đình.


Lễ cúng “cơm mới” là một phong tục lâu đời, mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của bà con thôn Tân Cường nói riêng và người Tày nói chung cần lưu truyền, phát huy./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT