Non nước Việt Nam

Kon Tum - Nơi hội tụ về văn hóa ẩm thực cả ba miền

Cập nhật: 21/10/2013 15:00:19
Số lần đọc: 3842
Người ta biết đến phố núi Kon Tum như thành phố của những cơn gió hoang tàn, nơi có dòng sông Đăk Bla dữ dội, nơi có ngọn Ngọc Linh cao chót vót với Sâm Ngọc Linh nức tiếng về độ quý hiếm. Thiên nhiên đã phú cho mảnh đất Bắc Tây Nguyên đầy đủ cả sản vật của núi rừng và sông suối, tạo nên những đặc sản thơm ngon lạ lùng. Nơi đây, là giao hòa của 3 miền Bắc, Trung, Nam và hiển nhiên ẩm thực Kon Tum cũng được thừa hưởng tinh túy của cả ba miền tổ quốc.

Người Kon Tum hiền hòa và bình dị, với phong cách sống mộc mạc, chân thành, cho nên những món ăn Kon Tum đều thể hiện tính cách ấy, không quá cầu kì, không trọng hình thức mà thường chú ý cho hương vị hài hòa. Phố núi Kon Tum nhỏ bé vừa là nơi gặp gỡ của ẩm thực ba miền, vừa tạo thành nét đặc trưng, nhẹ nhàng mà riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Những du khách một lần đến Kon Tum, đã thăm thú cảnh đẹp thiên nhiên thì ắt hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực Bắc Tây Nguyên với cả sự tò mò và thích thú. Để rồi người nào cũng phải công nhận đó là sự hòa quyện tuyệt vời và khéo léo giữa dân dã và cầu kì, giữa đơn giản và phức tạp, ẩn chứa trong từng món ăn riêng biệt.

 

Là vùng đất có hệ thống sông suối dày đặc và núi rừng trùng điệp nên ẩm thực Kon Tum có nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng. Cơ cấu thức ăn thiên về thực vật, cộng với thủy hải sản, cách chế biến món ăn lại là sự tổng hợp nhiều chất nhiều vị, phối hợp nhiều loại gia vị và rau. Dẫu cách thủ đô Hà Nội đến hơn 1000 km nhưng người ta vẫn dễ dàng thưởng thức đặc sản Hà Nội như: phở Bắc (đường Phan Đình Phùng), bánh cuốn nóng (đường Trần Phú, Hoàng Thị Loan), miến lương (đường Trường Chinh),...Những món ăn miền Bắc thường là sự hội tụ một cách tinh tế giữa các gia vị, vừa phải tạo hương vị chứ không đậm đà, quá cay như miền Trung hay quá ngọt như miền Nam. Cách thức thực hiện tỉ mỉ, cầu kì thanh thoát, tao nhã chứ không phải thứ cầu kì màu mè, nặng về hình thức. Ẩm thực miền Bắc ở Kon Tum còn phải kể đến những loại bánh chè dân dã như: bánh khoai, bánh nếp, bánh rán, chè đậu, chè khoai,…được bán ở những mẹt hàng nho nhỏ trong Chợ Lớn (Trung tâm thương mại Kon Tum).

Ẩm thực miền Trung đến với phố núi Kon Tum vẫn giữ trọn vẹn những nét đặc trưng của mình, từ nguyên liệu đến cách chế biến, gia giảm gia vị. Khác với thú ăn nhạt của người miền Bắc, ẩm thực miền Trungđược biết đến với đặc trưng ăn cay và ăn mặn, điều đó được cảm nhận qua các món ăn như: Mì Quảng (đường Phan Chu Trinh), súp lươn, cháo lươn xứ Nghệ (đường Trường Chinh, Hùng Vương), bún cá, nem nướng Ninh Hòa (đường Lê Hồng Phong), Bánh khọt, bún sứa Nha Trang (đường Đoàn Thị Điểm),… Nói đến ẩm thực miền Trung không thể không nói đến ẩm thực Huế. Tuy nhiên, cách thưởng thức ẩm thực Huế tại đây không quá cầu kì như người Huế, cũng chẳng đòi hỏi mâm cao cỗ đầy nhưng phải tinh túy, sâu sắc. Chúng ta có thể tìm thấy những món ăn Huế như các loại bánh lọc, bánh gói, ram cuốn,… được bày bán tại những tiệm ăn nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ nhưng chứa đựng cả tâm tình của người làm ra, và cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ thì mới hoàn thành và giữ nguyên vẹn hương vị của đất Cố đô.

 

Bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn mang phong vị đất phương Nam ngay trên phố núi nhỏ bé này. Con người Nam Bộ vốn có tính phóng khoáng, mạnh mẽ chất phác, bởi vậy họ thổi hồn tính cách ấy vào những món ăn của mình. Đầu tiên là món cơm tấm Sài Gòn, có nhiều tại tiệm ăn bình dân trên đường Nguyễn Huệ, Hoàng Văn Thụ. Từ những món ăn chơi như bánh hỏi lòng heo, bánh hỏi heo quay (đường Phan Chu Trinh), bún thịt nướng (Trần Phú), bánh khọt (Phan Chu Trinh), gỏi bò khô, bánh tráng trộn (Nguyễn Viết Xuân),…đến những món ăn phục vụ cho các bữa nhậu được coi là đặc trưng phong vị miền Nam như lẩu cá kèo, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, bò nướng ngói…Ẩm thực miền Nam đặc điểm thiên về vị ngọt, gia vị thường được sử dụng khi chế biến món ăn là đường và nước cốt dừa, đặc biệt là các loại chè, bánh.

 

Không chỉ tinh túy ẩm thực ba miền mà người Kon Tum còn khéo léo sáng tạo ra những món ăn đặc trưng cho mình, chỉ sử dụng nguyên liệu đặc trưng thơm ngon của vùng đất này. Gỏi lá có thể coi là món ăn kết tình thân hữu, với đầy đủ các vị chua, chát, đắng, ngọt, bùi. Và để thưởng thức gỏi là một cách trọn vẹn, người ta phải chuẩn bị đầy đủ khoảng 50 loại lá, tôm bạc thẻ, cá lóc, mẻ chua, ớt, tiêu rừng,…Gỏi lá không phải món ăn để no say mà ăn như việc thưởng thức hương hoa của núi rừng, như trải nghiệm thú vị về sản vật của núi rừng. Cà đắng lại là một loại nguyên liệu độc đáo, mang đậm đà bản sắc núi rừngTây Nguyên. Đây vốn là loại thực phẩm mọc hoang dại trên các ngọn đồi, nương rẫy, và có thể chế biến thành nhiều món ngon từ đơn giản đến phức tạp như: cà đắng dầm muối ớt, cà đắng nấu lòng dê, cà đắng nấu canh tôm, cà đắng um cá khô,…Món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Từ một món ăn dẫn dã của người đồng bào dân tộc thiểu số, hiện tại cà đắng đã trở thành món ăn đặc sản và dễ tìm thấy trong nhiều nhà hàng ở Kon Tum.

 

Là vùng đất cao nguyên có vốn văn hóa truyền thống độc đáo, đồng thời cũng là miền đất mới nên ẩm thực Kon Tum cũng mở lòng mình ra mà giao lưu tiếp biến những tinh hoa văn hóa ẩm thực của mọi miền tổ quốc, tạo cho phố núi nét riêng và đặc sắc. Một lần ghé chân tới nơi này mỗi du khách sẽ đến không chỉ lần đầu tiên mà còn muốn ghé nhiều lần nữa, thưởng thức bằng hết đặc sản của phố núi. Cuộc sống hiện đại xuất hiện thêm nhiều món ăn mới lạ, nhưng những món ăn trên đất Kon Tum vẫn khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng bởi những hương vị rất riêng./.

Nguồn: website kontum

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT