Bữa ăn ở bản vùng cao: Dân dã mà ấm lòng
Nhiều du khách khi đến Sa Pa luôn dành thời gian vào bản để thưởng thức một bữa ăn đúng nghĩa của người dân bản địa. Nhà người Mông, người Giáy hay người Dao đều có rau cải đầy vườn, gia súc, gia cầm cạnh nhà. Heo ở bản ăn toàn rau củ, một ít cám, hoàn toàn không có chất kích thích tăng trưởng. Nuôi cả nửa năm trời, heo nặng chưa tới 20kg. Con nào ăn khỏe, đào bới, leo núi nhiều thì nặng khoảng 25 kg là cùng. Thịt chúng rắn chắc như heo rừng. Người dân bản địa khi đi chợ thì kẹp ngang nách, mang heo xuống chợ bán hoặc đổi lấy những thứ mình cần nên heo nuôi ở bản thường được gọi là "lợn cắp nách".
Một con heo chừng hơn 10 kg, người dân địa phương có thể chế biến hơn 5 món cho khách ăn. Thực khách cảm thấy ngon miệng bởi khẩu vị lạ, rất ít gia vị. Có khi, gia vị chỉ đơn giản là muối và một ít hương liệu từ củ quả trên ngàn. Cải xanh, cải mèo hoặc su su được luộc lấy nước làm canh, rau ăn kèm với thịt. Cơm của người bản địa thường được nấu từ nếp nương, thơm và dẻo. Phụ nữ ở bản khéo léo lấy nước màu từ các loại lá để tạo màu cho cơm nếp, ăn rất lạ miệng. Có khi, người ta làm đến 5 màu khác nhau để cúng bái tổ tiên hay thết đãi khách từ phương xa đến.
Trong bữa ăn, người ta thường nhấm tí rượu ngô hoặc nếp nấu còn ấm ấm. Giữa triền đồi gió lạnh, một bữa cơm bản với chén rượu ngô, rượu nếp vừa giúp tiêu hóa vừa làm ấm bụng thực khách, kích thích ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn. Một bữa ăn ở bản, khách được đối đãi bằng chính cái tình, cái nghĩa chân chất của người dân bản địa./.