Hoạt động của ngành

Quảng Bình phát triển du lịch theo hướng bền vững

Cập nhật: 25/09/2008 11:49:31
Số lần đọc: 2559
Không chỉ sở hữu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng hay bãi biển Nhật Lệ - một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam…, Quảng Bình hiện còn bảo tồn nhiều loại hình di tích lịch sử có giá trị ở nhiều thời đại khác nhau.

Đó chính là tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - tâm linh bền vững.Tỉnh Quảng Bình đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Quảng Bình mang nét đặc trưng của khu vực Bắc Trung bộ, là địa phương có nhiều dân tộc cư trú tạo nên sự đa dạng và phong phú về truyền thống văn hoá, kho tàng văn nghệ dân gian. Ngoài bờ biển dài 116km, Quảng Bình còn được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều phong cảnh kỳ thú, trong đó có Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trải qua bao biến động, Phong Nha vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ như hàng triệu năm về trước. Ðộng Phong Nha có rất nhiều nhánh với chiều dài lên đến trên 20km, nhưng hiện nay người ta mới khám phá nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nậm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất. Vào mùa nước lớn, nước sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào được. Tương truyền hơn một trăm năm về trước, ông vua trẻ Hàm Nghi đã ẩn mình ở đây cùng một số cận thần và ra lời kêu gọi Cần Vương.

Năm 2008, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần đưa du lịch Quảng Bình lên một vị thế mới. Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn, nhà hàng được đầu tư nâng cấp khang trang hơn; tình hình an ninh trật tự ổn định. Khu Sun Spa Rerort vừa mở thêm 7 biệt thự và 30 bungalow đạt tiêu chuẩn năm sao. Ngoài ra còn có thêm nhiều dự án du lịch được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tại các khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, suối nước nóng Bang, biển Nhật Lệ - Quang Phú, Đá Nhảy. Cùng với việc tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 5 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Bình đã tuyên truyền quảng bá hình ảnh tới du khách trong nước và trên toàn thế giới. Năm 2008, du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt 670.000 lượt khách, tăng 12% so với năm 2007, trong đó khách quốc tế là 35.000 lượt, tăng 51% so với năm 2007. Khách tham quan Phong Nha - Kẻ Bàng là 280.000 lượt, tăng 14%, trong đó khách quốc tế 20.000 lượt, tăng 54,6%. Tổng doanh thu du lịch đạt 370 tỷ đồng, tăng 26%, trong đó doanh thu thuần tuý 135 tỷ đồng, tăng 25%, thời gian lưu trú của khách bình quân từ 1,2-1,25 ngày.

Nhiệm vụ chủ yếu của ngành du lịch Quảng Bình trong thời gian tới là thực hiện Chương trình phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2006-2010. Đó là tạo chuyển biến tích cực về chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN trên cơ sở thúc đẩy đầu tư, phát triển đa dạng các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới chất lượng cao, khai thác tối đa các lợi thế. Tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và xúc tiến du lịch, mở rộng không gian và thị trường du lịch để thu hút khách, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Song song với việc thực hiện các mục tiêu trên, ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục tập trung tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch với các thị trường tiềm năng trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng và thị trường nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán của từng vùng miền, đất nước, trong đó có tổ chức hội chợ triển lãm, các hoạt động văn hoá, lễ hội truyền thống. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác của du lịch Quảng Bình ở các thị trường được đẩy mạnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và tạo dựng những ấn phẩm tuyên truyền về du lịch, tổ chức những sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao ở các hội chợ, triển lãm, hội nghị…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ DN trong việc tạo dựng những sản phẩm du lịch mới, đầu tư vào các loại hình vui chơi, giải trí, thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa cơ sở để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho du lịch phát triển. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực, xây dựng một đội ngũ những người làm du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Sự phong phú, đa dạng của các loại hình di sản văn hoá và di sản thiên nhiên là tài nguyên quý giá, lợi thế quan trọng để phát triển nhiều loại hình du lịch, nhưng song song đó cần chú trọng xây dựng và phát triển văn hoá du lịch, có nghĩa là phải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Bình.

Nguồn: VEN

Cùng chuyên mục