Hoạt động của ngành

Xuân Lam, Thanh Hóa - Bức tranh non nước hữu tình

Cập nhật: 19/09/2008 09:09:19
Số lần đọc: 2359
Xuân Lam nằm bên tả ngạn sông Chu, cách huyện lỵ Thọ Xuân 13 km về phía tây, là cửa ngõ nối liền vùng đồng bằng sông Chu phì nhiêu với miền tây Thanh Hóa. Sử cũ chép: Vùng đất này có hình chữ Vương, có động Chiêu Nghi, phong cảnh bốn bề dệt thành bức tranh non xanh nước biếc vô cùng hữu tình.

Phía tây bắc có núi Dầu làm hậu chẩm; núi Hướng và núi Hàm Rồng phía tây tạo thành cánh tay ngai bên hữu; phía bắc có một dãy đồi thoai thoải làm tay ngai bên tả; phía đông nam có quý chúa và mũi Mục (gọi là Chủa Sơn và Mục Sơn) làm tiền án; mặt trước có dòng Lương Giang (sông Chu ngày nay) chảy từ miền tây xuống, vòng từ phải qua trái theo thế tụ thủy. Vùng đất này đi vào lịch sử dân tộc bởi đây là đất gốc rễ, đất phát tích của vương triều Lê tồn tại gần 4 thế kỷ. Bắt đầu từ sự ra đời của đức Thái Tổ nhà Lê, đến sự kiện người anh hùng Lê Lợi giương cờ khởi nghĩa hội tụ muôn người cùng chí hướng đánh đuổi giặc Minh; là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn với kẻ thù. Nguyễn Trãi đã từng ví vùng đất này như rồng thiêng nổi dậy, như ngọn giáo nhà trời quét sạch lũ giặc ngoại xâm:

 

Để rồi, sau 10 năm chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn giành toàn thắng, giang sơn thu về một mối, triều đại nhà hậu Lê được thiết lập, vùng đất Lam Sơn trở thành một kinh: Lam Kinh. Đây là nơi đặt lăng miếu thờ vua và hoàng hậu, với ý niệm truyền thống: tiếp nhận khí thiêng sông núi, trời đất tạo nguồn sức mạnh tâm linh cho sự trường tồn của triều đại nhà Lê; đồng thời là hành điện để vua và các triều thần tuần du về nghỉ ngơi. Gần 6 thế kỷ trôi qua, Lam Kinh từng chịu tác động của biết bao cuộc biến thiên, những lăng tẩm, miếu mạo, đền đài, hành dinh xưa đã hoặc hư hỏng nhiều hoặc bị xóa dấu tích.

 

Xuân Lam ngày nay còn lưu giữ được một phần quần thể di tích Lam Kinh, cùng một số đình chùa, miếu mạo như một lời báo hiếu, sự tri ân của con cháu với tổ tiên. Đó là đền thờ vua Lê Thái Tổ, các bia ghi công đức, đền thờ và lăng mộ vua Lê Thánh Tông và thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, đền thờ Hào Lương, lăng Phật Hoàng... Xuân Lam là vùng đất của văn hóa, lễ hội dân gian. Các nghệ sĩ dân gian xưa đã khắc họa hình tượng người anh hùng dân tộc Lê Lợi vừa sinh động vừa hết sức gần gũi. Ở đây còn lưu truyền một pho truyền thuyết về mối quan hệ giữa Bình Định Vương với các tướng sĩ; chuyện Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn giả dạng người bán dầu tìm gặp minh chủ; chuyện Lê Lợi, Nguyễn Thận tìm được gươm báu; chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa; rồi chuyện những người dân thường như bà bán dầu, người thợ săn bên sông Cầu Chày lừa quân giặc... Hằng năm, nơi đây diễn ra hàng chục lễ hội, trong đó lễ hội Lam Kinh đã vượt ra ngoài phạm vi địa phương trở thành ngày hội của muôn khách thập phương... Sông Chu chảy qua Xuân Lam, không chỉ có ý nghĩa tâm linh đối với vương triều Lê mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nơi đây. Mùa lụt, nước tràn qua đồng ruộng lắng lại một lớp phù sa màu mỡ. Từ đây, thuyền bè có thể ngược lên Bái Thượng, Thường Xuân, Ngọc Lặc qua sông Âm lên Lang Chánh hoặc từ Lam Sơn xuôi qua vùng dân cư đông đúc với những bãi dâu xanh mướt nhập vào sông Mã ở Ngã ba Bông; nông - lâm sản được thương lái vận chuyển bằng thuyền đưa đi các miền và đem về mắm, muối, dầu, vải... Trên dòng sông ấy, Lê Lợi cùng tướng sĩ đã bao lần tiến, lui đánh giặc; là nơi các vua Lê xuôi ngược mỗi khi về thăm quê cha đất tổ.

 

Đến Xuân Lam vào mỗi dịp lễ hội, hòa vào không khí hân hoan của các trò lễ hay khói trầm hương nghi ngút trong đình đền, có nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của vùng đất này mỗi lần trở lại. Cả 3 làng văn hóa của xã được xây dựng theo mô hình làng cổ, có thiết chế văn hóa, nhà văn hóa rộng 3.000 m2, mỗi làng đều có sân và đội bóng đá, bóng chuyền, 1 đội văn nghệ, 2 đội tế cổ truyền.

 

 Với bề dày lịch sử, văn hóa mà không phải vùng đất nào cũng có được, đồng thời là nơi tọa lạc của quần thể di tích lịch sử Lam Kinh – dấu ấn của một trong những vương triều cực thịnh bậc nhất lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, người dân Xuân Lam có quyền tự hào về những gì tổ tiên đã để lại và cả những gì họ đang nỗ lực vươn tới để vừa làm mới mình nhưng cũng đồng thời giữ gìn được những giá trị vật chất và tinh thần bao đời truyền lại. 

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục