Hoạt động của ngành

Thực trạng và tiềm năng du lịch tỉnh Trà Vinh

Cập nhật: 10/09/2008 16:09:27
Số lần đọc: 5923
Tỉnh Trà Vinh có thực trạng và tiềm năng rất tốt, đặc biệt là tài nguyên du lịch biển và sông nước. Trà Vinh là nơi đất, trời sông, nước, thảm thực vật xanh quanh năm, phong cảnh rất hữu tình.

Các tuyến du lịch sông nước, các cù lao… đều rất có triển vọng: tham quan những cảnh đẹp của làng quê miền Tây dọc hai bờ sông, tham quan những vườn cây ăn trái, đưa du khách tiếp xúc với những sinh hoạt văn hoá đặc trưng, giàu bản sắc của dân cư miền Tây nói chung, Trà Vinh nói riêng. Rừng là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị cao, nhất là du lịch sinh thái.

 

Các cù lao đang hình thành nhiều khu chuyên canh vườn cây ăn trái đặc sản có thể khai thác cho du lịch. Nhất là các cù lao Long Trị, Hoà Minh, Long Hoà, Tân Quy… Cù lao Long Trị nằm trên sông Tiền, thuộc xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã khoảng 10 - 15 phút đi ca nô đã được quy hoạch cho du lịch. Cù lao Hoà Minh, Long Hoà nằm trên sông Tiền thuộc huyện Châu Thành, tiếp giáp với cù lao Long Trị đang được cải tạo thành các khu vườn chuyên canh - du lịch. Cù lao Tân Quy trên sông Hậu, thuộc huyện Cầu Kè là khu vực chuyên canh vườn cây ăn trái có thể kết hợp với một số điểm du lịch khác hình thành nên tuyến du lịch trên sông Hậu.

 

Trà Vinh còn có hàng chục vườn cò từ vài ngàn đến vài chục ngàn con khắp tỉnh. Nhất là đàn Cò xã Đại An, Trà Cú với hàng chục ngàn con vây kín cả một ngôi chùa Khmer (Chùa Giồng lớn - dân địa phương quen gọi là Chùa Cò). Vườn Cò xã Long Hữu, Duyên Hải cũng rất hấp dẫn, dự kiến đưa vào tuyến du lịch của tỉnh. Thị xã Trà Vinh là đô thị xanh ở ĐBSCL có hàng trăm cây cổ thụ, có sức hấp dẫn và thu hút du khách. Những đặc sản cây ăn trái, cá, chim, mật ong được các nghệ nhân chế biến khiến du khách khó quên.

 

Đền thờ Bác Hồ, là một di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng được xây dựng ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm thị xã khoảng 5 km đầu năm 1970 bằng vật liệu đơn sơ tre, lá. Mặc dù địch nhiều lần càn quét hòng phá huỷ ngôi đền, nhưng nhân dân Trà Vinh vẫn bảo vệ được ngôi đền. Năm 1980, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho trùng tu, tôn tạo khu di tích, bổ sung trưng bày giới thiệu cho khách tham quan. Hiện nay Đền thờ Bác Hồ đã được trùng tu khá khang trang, trong những ngày lễ lớn, nhất là ngày Tết cổ truyền dân tộc, khách du lịch từ các nơi về tham quan và viếng đền hằng ngày.

 

Chùa Samrông Ek (hay chùa Ang) là ngôi chùa cổ của đồng bào dân tộc, được xây dựng từ năm 1642 toạ lạc trong địa phận của khu rừng cổ thụ Ao Bà Om, cách thị xã Trà Vinh khoảng 4 km nổi tiếng nhờ hàng trăm pho tượng Phật.

 

Chùa Hang (chùa Kompong Chrây): thuộc ấp Tầm Phương, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5 km. Tên địa phương gọi là chùa Kompong Chrây, cổng chùa được làm như cái hang nên dân gọi là chùa Hang, trước đây có nhiều dơi trú ngụ nên còn gọi là chùa Dơi.

 

Chùa Giác Linh (chùa Dơi) cách thị xã Trà Vinh khoảng 26 km về hướng Đông Nam được xây dựng từ năm 1871, là nơi thành lập tổ chức Nông hội đỏ (1922); nơi thành lập Chi bộ Cộng sản Mỹ Long đầu tiên (1930 1931); nơi diễn ra các cuộc họp của Xứ ủy, cán bộ cách mạng thời chống Pháp và Mỹ, đã được Bộ văn hoá thông tin công nhận di tích lịch sử văn hoá cách mạng.

 

Chùa Nôdol (hay chùa Cò) thuộc ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú. Đây là ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc của văn hoá Khmer ở Trà Vinh bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng hài cốt, nhà tăng, nhà hội… Khu vực chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như Reihu thần 4 mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt…

 

Lễ hội có khả năng hấp dẫn du khách rất cao. Ngoài các ngày lễ chung, Trà Vinh còn có một số lễ hội riêng thu hút nhiều du khách: Lễ hội Nghinh Ông: từ ngày 10 đến 12 tháng 5 âm lịch tại miếu Bà chúa Xứ, biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang có nhiều trò chơi dân gian thu hút nhiều người; Lễ hội cúng Trăng (hay là lễ Ok Om Bok) đặc trưng của người Khmer, sau lễ hội có đua ghe Ngo rất sôi nổi.

 

Với tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh Trà Vinh, nếu được khai thác và đầu tư, du lịch Trà vinh sẽ l nơi thu hút và đón tiếp rất tốt cho khách du lịch trong ngòai nước đến Trà Vinh.

Nguồn: website xuctientravinh

Cùng chuyên mục