Bà Rịa-Vũng Tàu: Định hướng phát triển du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn 2015
Giai đoạn 2006-2010 đưa vào khai thác 79 dự án du lịch và đến năm 2015 sẽ đưa vào khai thác thêm khoảng 27 dự án, trong đó có các dự án mang tính cạnh tranh cao, tạo sự bứt phá cho ngành du lịch của địa phương.
Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh xác định: Từ nay đến năm 2010 phải bàn giao xong mặt bằng cho các dự án lớn để chủ đầu tư khởi công xây dựng, kiên quyết thu hồi các dự án đã được bàn giao mặt bằng mà không triển khai; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án lớn như Khu du lịch lâm viên văn hóa núi Dinh, Khu du lịch lâm viên văn hóa núi Minh Đạm, Khu du lịch Hoa Anh Đào và các Khu du lịch tại Côn Đảo; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện các dự án, nhất là các dự án lớn như Sài Gòn Atlantis, Hồ Tràm Strip, vườn thú bán hoang dã Safari Bình Châu...
Đối với nguồn nhân lực, Sở Văn hóa, Thê thao & Du lịch tiếp tục điều tra, phân loại trình độ lao động trong ngành để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề của lao động, trong đó chú trọng đào tạo công nhân lành nghề ở tất cả các khâu dịch vụ. Mặt khác, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mở trường đại học du lịch trên địa bàn tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành du lịch. Riêng về sản phẩm du lịch, tỉnh sẽ nâng cấp các lễ hội truyền thống như Dinh Cô, Trùng Cửu, lễ hội đình thần Thắng Tam, Nghinh Ông... thành lễ hội văn hóa du lịch để thu hút khách. Một số dự án du lịch lớn đã được khởi công xây dựng như Trung tâm hội nghị triển lãm TP. Vũng Tàu, dự án phức hợp Hồ Tràm Strip, cáp treo núi Lớn - núi Nhỏ... và đi vào hoạt động trong vài năm tới sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách và sẽ là những điểm lưu giữ khách ở lại lâu hơn.