Hoạt động của ngành

Du lịch Thừa Thiên Huế – Những cú hích phát triển

Cập nhật: 01/09/2008 10:09:41
Số lần đọc: 2410
Từ xa xưa Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ và giao thoa các yếu tố văn hoá phương Đông và sau này là phương Tây. Do đó, “Vùng văn hoá Huế” đã xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra một nét độc đáo, đa dạng và phong phú, góp phần làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam.

Mặt khác, Cố đô Huế là nơi lưu giữ một kho tàng di tích, cổ vật, trong đó quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO xếp hạng Di sản văn hoá thế giới với những công trình kiến trúc cung đình và danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Huế còn là kho tàng văn hoá phi vật thể đồ sộ, các loại hình lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian, lễ hội văn hoá các dân tộc ít người… Đặc biệt, Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản kiệt tác văn hoá truyền khẩu của nhân loại. Huế còn là nơi có truyền thống cách mạng oanh liệt, nơi lưu giữ nhiều di tích cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều địa danh lịch sử về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đứng trước những tiềm năng to lớn đó, phát triển du lịch được Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm từ rất sớm, Hội nghị đại biểu Đảng bộ giữa nhiệm kỳ khoá X (năm 1993) đã nêu rõ: “Đã đến lúc cần đầu tư phát triển du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và quyết tâm đó lại được khẳng định qua Đại hội Đảng bộ lần thứ XI (năm 1995) quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ sang công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà.

Thực tế, phát triển dịch vụ mà trọng tâm là phát triển du lịch đã tạo một nguồn lực đóng góp đáng kể vào tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Năm 2007, doanh thu du lịch trên địa bàn tăng 31,2%, tổng doanh thu xã hội phục vụ cho hoạt động du lịch đạt trên 2.193 tỷ đồng, tăng 33,2% so với năm 2006. Cơ sở vật chất ngành du lịch không ngừng được củng cố, xây dựng mới. Tính đến nay, đã có 36 khách sạn trên địa bàn được công nhận sao (trong đó, 1 KS 5 sao, 6 KS 4 sao, 6 KS 3 sao và 23 KS từ 1 đến 2 sao). Theo đó, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn đến nay là 149 cơ sở, nâng tổng số phòng toàn tỉnh lên 4.805 phòng, 9.300 giường, tăng 131 phòng so với cuối năm 2007. Ngoài ra còn một số khách sạn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động với hơn 600 phòng trong dịp diễn ra lễ hội Festiaval Huế 2008 như KS Hoa Trà, KS Modial, KS Sky Garden, KS Hùng Vương…

Lẽ dĩ nhiên, khi du lịch – dịch vụ phát triển mạnh sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành nghề khác phát triển như; nhà hàng, khách sạn, các trung tâm giải trí, mua sắm, bưu chính – viễn thông, vận tải hàng không, ngân hàng…. tạo ra một năng lực sản xuất, sức mua và lưu chuyển nhanh đồng vốn. Mặt khác, du lịch và dịch vụ cũng đã tác động mạnh mẽ đến phát triển nông nghiệp nông thôn, phá vỡ nền kinh tế khép kín tự cấp, làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với thị trường.

Sự phát triển du lịch của tỉnh còn thúc đẩy mở rộng và phát triển các ngành nghề tạo việc làm và có thu nhập ổn định cho người dân. Thực tế từ sự phát triển mạnh của du lịch - dịch vụ trong những năm qua đã làm tăng nhanh nhu cầu các sản phẩm tạo cho ngành nghề, làng nghề truyền thống khôi phục và phát triển (mộc mỹ nghệ, đúc đồng, kim hoàn, đan lát, thêu...), đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú, không ngừng sáng tạo và tham gia đầu tư, khai thác các sản phẩm tour tuyến du lịch độc đáo. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế ngày một rõ nét hơn.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch Thừa Thiên Huế cũng đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh hoà bình, năng động, giàu bản sắc văn hoá, nhân văn của đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao, nâng tầm vị thế của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cụ thể, Thừa Thiên Huế đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế và khu vực như Hội nghị Hiệp hội các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF), Hội nghị Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể, lễ hội Festival ... thông qua các hội nghị, lễ hội các đối tác đã tìm được tiếng nói chung và đã có nhiều dự án được đầu tư trên địa bàn.

Một lợi thế nữa mà Thừa Thiên Huế đang có nhiều cơ hội lớn trong việc phát triển kinh tế gắn với du lịch – dịch vụ đó là thành phố Huế đã trở thành thành phố Festival của Việt Nam. Đây là một lễ hội lớn mang tầm quốc tế và không đơn thuần là một lễ hội văn hoá mà thông qua đó hình ảnh một địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế được giới thiệu. Tất nhiên không thể nói rằng nhờ có Festival mà du lịch – dịch vụ Thừa Thiên Huế phát triển, bởi lẽ du lịch – dịch vụ là một ngành kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên có một thực tế dễ nhận ra là qua các kỳ Festival du lịch – dịch vụ Thừa Thiên Huế có thêm một động lực, một đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu như Festival 2000 có khoảng 50.000 lượt khách đến Huế, trong đó có 20.000 lượt khách nước ngoài đến tham dự lễ hội thì đến Festival 2004, 2006, 2008 đã có trên 100.000 lượt khách, trong đó có hơn 30.000 lượt khách nước ngoài. Nhiều tour tuyến mới được hình thành, như tour du lịch nhà vườn, du lịch xanh, du lịch trở về cội nguồn, tìm hiểu nghệ thuật sống, du lịch thăm làng quê... đã tạo ra một hướng mới cho du lịch Thừa Thiên Huế- người dân làm chủ thể của du lịch và vấn đề xã hội hoá du lịch ngày càng rõ nét hơn.

Với tiềm năng phong phú, với sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn dân ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có những “cú hích” để xây dựng Huế xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực.

Nguồn: KTVN

Cùng chuyên mục