Hoạt động của ngành

Miệt vườn sông nước Hậu Giang

Cập nhật: 28/08/2008 14:08:16
Số lần đọc: 2369
Bây giờ, xu hướng của khách du lịch trong nước lẫn quốc tế là tìm về với thiên nhiên, với miệt vườn sông nước, với rừng, núi, biển càng hoang sơ, ruộng đồng heo hút.

Thế nên, có thể thấy, chợ nổi, rừng tràm tạo sự hứng khởi để du khách khám phá và tìm sự bình yên. Hậu Giang có cả hai yếu tố này. Chợ nổi - nét đặc trưng miền sông nước nổi tiếng không phải chỉ trong nước. Rừng tràm, một dự án lớn đang khởi công, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2009. Những nét văn hóa miệt vườn khác...

 

Bên cạnh tiềm năng đó, các làng nghề truyền thống ở Hậu Giang cũng đa dạng và phong phú. Đây chính là nơi lưu truyền nét văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người. Hậu Giang có gần 30 làng nghề truyền thống - thế mạnh du lịch không nhỏ. Đặc sản về cây ăn trái của Hậu Giang cũng là một tiềm năng. Khóm Cầu Đúc, bưởi Phú Hữu, quít đường Long Trị đã luôn tạo sự chú ý cho du khách muốn thưởng thức đặc sản của nơi mình đi qua. Chưa hết, Hậu Giang còn có đặc sản về thủy sản. Nếu như đến vùng An Giang, du khách thưởng thức các món đặc sản từ cá ba sa, về Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang là những món ăn mặn mà hương vị biển, thì đến Hậu Giang, khó ai có thể quên với hương vị của cá thát lát được chế biến nhiều món rất ngon, đặc biệt là các loại rau vườn, rau rừng.

 

Hậu Giang còn có một thế mạnh là sở hữu rất nhiều di tích lịch sử. Trong đó, có Khu căn cứ Tỉnh ủy, Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích Chiến thắng 75 tiểu đoàn, chiến thắng Tầm Vu, Cái Sình, Nam Kỳ khởi nghĩa... Tất cả đã đi vào lịch sử, thơ, ca, nhạc. Hàng năm, mỗi khi có dịp lễ lộc, du khách các nơi tìm về không ít. Ngoài ra, còn có các lễ hội, đặc biệt là lễ hội đua ghe ngo truyền thống thu hút khá nhiều địa phương tham gia, khách đến xem...

Nguồn: website báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục