Lâm Thao (Phú Thọ): Nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh
Trên địa bàn có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa với 50 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 19 di tích xếp hạng quốc gia, 31 di tích xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt có 3 di tích khảo cổ là Gò Mun xã Tứ Xã, Sơn Vi xã Sơn Vi, Phùng Nguyên xã Kinh Kệ và 18 di tích gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hàng năm các hoạt động lễ hội được tổ chức đa dạng phong phú, mang đậm nét văn hóa đặc sắc như lễ hội Trò Trám xã Tứ Xã, Rước Chúa Gái thị trấn Hùng Sơn, lễ hội Rước Vua về làng vui Xuân ở Tiên Kiên, hội Vật đuổi giải ở Cao Xá… Đây là những lợi thế đặc trưng, tạo thuận lợi cho Lâm Thao phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2011 – 2015, huyện Lâm Thao đã quan tâm thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển du lịch, xác định phát triển du lịch là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trên địa bàn. Huyện đã chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích khảo cổ Gò Mun xã Tứ Xã, Sơn Vi, Phùng Nguyên xã Kinh Kệ, các di tích thờ cúng Hùng Vương; đồng thời chỉ đạo ngành, cơ quan chức năng hướng dẫn các xã, thị trấn, các làng nghề truyền thống đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm mục đích thu hút khách tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Thông qua việc rà soát, đánh giá thực trạng 50 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong 2 năm huyện huy động hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 5 di tích đã xuống cấp như tu bổ Đình Cả xã Tiên Kiên 6 tỷ đồng; Đình Hữu Bổ xã Kinh Kệ 4,6 tỷ đồng; Chùa Thạch Sơn 1,3 tỷ đồng; Đình Cả thị trấn Hùng Sơn 4,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó huyện tiếp tục khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó tập trung vào một số sản phẩm có chất lượng, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và khách du lịch như: ủ ấm Sơn Vi, tương Dục Mỹ xã Cao Xá; bánh gai xã Cao Xá, chè lam xã Sơn Vi…, chú trọng xây dựng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề mới khai thác nguyên liệu lâm nghiệp như mây tre đan, chế biến gỗ, sản xuất hàng dân dụng, tạo điều kiện gắn kết giữa phát triển ngành nghề thủ công truyền thống với du lịch văn hóa.
Nhằm quảng bá sâu rộng tiềm năng du lịch huyện, Lâm Thao thường xuyên tổ chức các hội chợ thương mại, trưng bày sản phẩm du lịch, ẩm thực văn hóa huyện tại Hội trại văn hóa vào các dịp giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng hàng năm. Mỗi độ tết đến xuân về, các địa phương đều tổ chức các lễ hội truyền thống, thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, có thể kể đến các lễ hội tiêu biểu như Lễ hội Trò Trám xã Tứ Xã, lễ hội Rước Chúa Gái thị trấn Hùng Sơn, lễ hội Vật Đuổi Giải xã Cao Xá, lễ hội Rước Vua về làng vui Xuân ở Tiên Kiên. Nhiều hoạt động tín ngưỡng gắn với du lịch tâm linh được tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách thập phương tham gia như Đền Nhà Bà thị trấn Lâm Thao, Chùa Sơn Lôi xã Cao Xá, Đình Hữu Bổ xã Kinh Kệ, Đình Trẹo thị trấn Hùng Sơn…
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực song hiệu quả từ hoạt động du lịch của huyện chưa cao, nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trên địa bàn chưa có các điểm du lịch thực sự hấp dẫn, thị trường du lịch của huyện chưa phát triển. Trong những năm tới, huyện Lâm Thao đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát triển mạnh dịch vụ du lịch, từng bước xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Chủ trương của huyện là chú trọng phát triển văn hóa với phát triển du lịch lễ hội, du lịch tâm linh; gắn các dịch vụ của huyện với các hoạt động văn hóa du lịch của tỉnh, trước hết là các hoạt động phục vụ lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương để huy động sự đóng góp của nhân dân trong việc tham gia các hoạt động lễ hội và cung cấp sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan và mua bán hàng hóa. Để thực hiện được điều đó, huyện tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển du lịch, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; chuẩn hóa các nội dung, kịch bản bảo đảm tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và phát huy tính sáng tạo, chủ động của nhân dân trong việc tham gia các hoạt động lễ hội; quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực nhằm phát huy thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư tu bổ 50 di tích và một số hạng mục công trình di tích lịch sử văn hóa, góp phần làm giàu thêm tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện.