Quảng Ninh nỗ lực đa dạng hoá các sản phẩm du lịch
Để thu hút, níu chân du khách ở lại lâu hơn, một trong những nỗ lực mà Quảng Ninh đang làm đó là đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới độc đáo, mang đặc trưng riêng...
Có thể nhận thấy, thời gian gần đây, bên cạnh việc tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…, ngành Du lịch tỉnh đang từng bước cố gắng tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn nhằm tăng sự hấp dẫn cho các điểm đến du lịch tại Quảng Ninh. Cụ thể, ngành Du lịch đã tăng cường phối hợp với các địa phương, ban, ngành liên quan mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, tăng thời gian lưu trú của du khách. Gần đây, một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như: nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hoá của cư dân địa phương tại làng quê Yên Đức (huyện Đông Triều) hay thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô… Những giá trị văn hoá, sinh hoạt, công việc hàng ngày của người dân đã được khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng nhằm chuyển tải đến du khách thông điệp văn hoá một cách chân thật và sống động nhất. Mặc dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu, nhưng các điểm du lịch này đã được du khách đánh giá cao. Có mặt trong tour du lịch tham quan làng quê Yên Đức, Đông Triều, ông Geogina Roettger, một du khách người Đức, chia sẻ: “Tôi rất thích phong cảnh yên bình ở đây. Tại đây, tôi được tham gia trải nghiệm khá nhiều các hoạt động sinh hoạt của người dân như: trồng rau, đánh bắt cá, xay lúa, giã gạo... Người dân ở đây rất thân thiện và mến khách...”. Còn theo anh Nguyễn Minh Tiến, khách du lịch đến từ Hà Nội, thì lại tỏ ra rất thích thú với các hoạt động du lịch trải nghiệm đi câu mực đêm cùng ngư dân ở Cô Tô…
Đi cùng với phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng, việc mở rộng các tour, tuyến du lịch tham quan Vịnh Hạ Long cũng đã được thực hiện, nhiều tuyến du lịch mới được xây dựng để phục vụ du khách như: Tuyến Hạ Long - Công viên Hòn Xếp; tuyến Vũng Đục (TP. Cẩm Phả) - Công viên Hòn Xếp và tuyến Cái Rồng - Minh Châu...
Được biết, hiện nay nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, Quảng Ninh đang tập trung triển khai xây dựng Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, trong thời gian tới, để xây dựng sản phẩm du lịch Quảng Ninh đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh và mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Quảng Ninh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế, Quảng Ninh cần dựa vào phát huy những thế mạnh chính của mình để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là giá trị tài nguyên du lịch. Xác định rõ đặc trưng và lựa chọn tài nguyên du lịch tiêu biểu của từng vùng không gian du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh cao, cụ thể là phát triển du lịch tập trung tại 4 trung tâm du lịch, gồm: Hạ Long, Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên, Vân Đôn - Cô Tô, Móng Cái - Trà Cổ và các vùng bổ trợ; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dành cho các thị trường du lịch mục tiêu; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, văn hoá tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng cân bằng cung, cầu; đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trên cơ sở khai thác hợp lý nguồn tài nguyên của các điểm đến, cũng như đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao; tăng cường quản lý Nhà nước và xã hội hoá tối đa về quản lý, khai thác và bảo tồn các tài nguyên du lịch...
Những nỗ lực trong việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá, liên kết với các địa phương, các vùng miền để thu hút du khách của ngành Du lịch Quảng Ninh bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 4 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú. Ngành Du lịch Quảng Ninh đang tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch cộng đồng gắn với đời sống sinh hoạt, văn hoá truyền thống của cư dân địa phương, của các làng nghề truyền thống để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế./.