Non nước Việt Nam

Nét duyên hát hội Quan họ

Cập nhật: 06/06/2014 08:49:02
Số lần đọc: 2259
Sức hấp dẫn của các lễ hội Quan họ là người chơi hội được thưởng thức văn hóa Quan họ từ lề lối sinh hoạt cho đến lời ca tiếng hát ngọt ngào, sâu lắng tình người.

Nét đẹp văn hoá từ tục kết chạ giữa các làng Quan họ

 

Trong 44 làng Quan họ cổ của tỉnh Bắc Ninh có 33 cặp kết chạ, chiếm gần 80% trong tổng số các làng Quan họ. Tục kết chạ ở các làng Quan họ khác biệt với tục kết chạ ở các địa phương khác trong vùng châu thổ Bắc Bộ. Đó là sự kết chạ bằng một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian. Từ tục kết chạ, trong các bọn Quan họ (“Bọn” là từ dùng để chỉ một tập thể đồng chất chứ không mang nghĩa xấu) xuất hiện một tập quán xã hội đặc biệt là tục kết bạn Quan họ. Mỗi bọn Quan họ của một làng đều kết bạn với một bọn Quan họ ở làng khác theo nguyên tắc Quan họ nam kết bạn với Quan họ nữ và ngược lại và trai gái trong các bọn Quan họ đó không được cưới nhau. Không chỉ ca hát, họ còn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, khi gia đình mỗi người trong bọn có việc hiếu, việc hỉ. Với họ, Quan họ là một thành tố không thể thiếu trong cuộc sống.

 

Mỗi khi hội làng Quan họ, các làn điệu Quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người ngân lên trong không gian văn hoá Quan họ. Lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hoá. Vì lẽ đó, sinh hoạt Quan họ thường gắn với sinh hoạt hội hè, ca hát, giao lưu; gắn với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động biết hướng tới cái đẹp.

 

Khác biệt của dân ca Quan họ Bắc Ninh so với các loại hình dân ca ở Việt Nam trong việc truyền dạy là tục ngủ bọn. Sau một ngày lao động, đêm đến, bọn Quan họ, nhất là thiếu niên nam, nữ từ 9 đến 16, 17 tuổi thường rủ nhau ngủ bọn nhà ông/bà Trùm để học câu, luyện giọng: Phải học đủ lối, đủ câu, luyện giọng sao cho vang, rền, nền, nảy, tập nói năng, ứng xử, giao tiếp và phải biết đặt câu, bẻ giọng, ứng đối kịp thời. Yêu cầu đặt ra với tục ngủ bọn là liền anh/liền chị phải ghép và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau để đi hát. Hát đối đáp là hát đối nam với nữ. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.

 

Hẹn nhau trong những câu hát đối đáp giao duyên

 

Đối với các làng Quan họ kết chạ với nhau, không những họ coi nhau như anh em ruột thịt trong cuộc sống hàng ngày mà những ngày đình đám hội hè là dịp để sinh hoạt giao lưu văn hóa Quan họ, thắt chặt thêm mối quan hệ đầy tính nhân văn giữa hai làng.

 

Thường thì từ vài ngày trước hội, làng có hội cử đôi Quan họ sang làng Chạ (bạn) để có lời mời Quan họ bạn. Đúng hẹn, Quan họ chủ nhà sẽ ra tận đầu làng đón bạn (khách) “tay bắt mặt mừng” bằng những câu ca Quan họ nghe ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị. Sau phần lễ là phần hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn tham gia phần hát hội. Các liền anh, liền chị Quan họ từng tốp hát đối đáp giao duyên say sưa bên nhau ở sân đình, sân chùa, bên những vạt núi, đồi, ruộng và trên ao hồ quanh đình, chùa. Đây cũng chính là phần hấp dẫn nhất của các lễ hội Quan họ. Sau khi tham gia hát hội, Quan họ chủ nhà đưa bạn mình về “nhà chứa” để hát canh Quan họ với nhau.

 

Vào canh hát Quan họ, bao giờ Quan họ chủ nhà cũng mời trầu nước bằng những cử chỉ, lời ca cung kính, tế nhị. Tiếp theo họ mời nhau hát rất khéo và trong canh hát bao giờ người ta cũng hát đôi, hát đối. Giữa canh hát chủ nhà mời bạn xơi cơm, nước, bánh, quả. Không chỉ trong khi ca hát với nhau, mà ngay cả khi sinh hoạt ăn uống, Quan họ luôn luôn mời nhau bằng những làn điệu lời ca ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị. Sau đó Quan họ chủ nhà sẽ mời bạn về từng thành viên trong bọn Quan họ để thăm hỏi động viên cha mẹ, anh em và tặng quà cho nhau. Kết thúc hội, Quan họ chủ nhà lại đưa tiễn bạn ra về tận cổng làng. Ở đấy, họ còn dùng dằng quyến luyến bằng những lời ca, tiếng hát sâu nặng ân nghĩa tình người.

 

Hội các làng Quan họ mặc dù chỉ diễn ra trong thời khắc, song dư âm về sự mến mộ, cung kính, lịch thiệp, tế nhị cùng lời ca tiếng hát ngọt ngào, sâu sắc của Quan họ đó trở thành biểu tượng của văn hiến./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT