Hoạt động của ngành

Hướng bảo tồn và phát triển các điểm du lịch, làng nghề, ẩm thực du lịch ở Bến Tre

Cập nhật: 10/06/2014 10:08:23
Số lần đọc: 2173
Du lịch Bến Tre đang ngày càng phát triển với đa dạng các loại hình: du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề và du lịch vui chơi giải trí.

Bến Tre được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam”, với bạt ngàn dừa xanh trĩu quả, nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên du lịch không chỉ có cảnh quan thiên nhiên sông nước hữu tình, những dòng sông uốn lượng chở nặng phù sa bồi tụ cho vùng đất “địa linh nhân kiệt” này thêm trù phú, cây trái bốn mùa với nhiều chủng loại trái cây ngon như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi, bòn bon,… là những đặc sản mang đậm tình người, tình đất, tình quê, sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Bến Tre có trên 47 điểm du lịch phục vụ du khách, tập trung ở huyện Châu Thành, Chợ Lách và một số huyện khác trong tỉnh. Hiện nay, các điểm du lịch đã được đầu tư nâng cấp ngày càng khang trang, thoáng mát đủ sức phục vụ hàng trăm lượt khách trong ngày. Hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc đến các điểm du lịch ngày càng thuận lợi, tạo nhiều điều kiện để các điểm du lịch tiếp cận du khách một cách dễ dàng.

Tỉnh đã thực hiện nhiều công tác như hỗ trợ thông tin, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre đến du khách trong và ngoài nước, tổ chức xúc tiến du lịch thông qua các chương trình xúc tiến hội chợ du lịch, sự kiện văn hóa - lễ hội, hội thảo, khảo sát điểm đến, phim ảnh giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch Bến Tre, ấn phẩm, tạp chí du lịch,… Về công tác đào tạo, Bến Tre thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ bàn, lễ tân khách sạn, thuyền viên du lịch cho các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao trình độ nguồn nhân lực phục vụ trong các điểm du lịch.

Để bảo tồn và phát triển các điểm du lịch thì tỉnh đã tập trung kêu gọi các doanh nghiệp du lịch thực hiện chương trình kích cầu du lịch, giảm giá ưu đãi, nâng cao chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ để thu hút du khách về Bến Tre, đặt biệt là du khách quốc tế. Vận động các điểm du lịch không được tăng giá dịch vụ, mà chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo nhằm tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chặt chém khách, để tạo niềm tin vững chắc nơi du khách về hình ảnh du lịch Bến Tre thân thiện, mến khách. Kêu gọi các điểm du lịch đưa các nhân viên của mình thường xuyên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch ở các lớp học do tỉnh tổ chức, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường để tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách.

Về bảo tồn và phát triển làng nghề, Bến Tre tập trung khai thác tối đa những thế mạnh vốn có của làng nghề để phát triển kinh tế du lịch tỉnh nhà. Hiện nay, Bến Tre đã đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân tham gia làm nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử cho cộng đồng nơi có làng nghề, tạo sự đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ có giá trị mỹ thuật mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi để du khách tiếp cận làng nghề, nghệ nhân và cùng tham gia làm ra sản phẩm, giúp du khách trải nghiệm thực tế, du khách cảm nhận được những giá trị thật sự chứa đựng trong từng sản phẩm của làng nghề. Đồng thời, các cấp các ngành trong tỉnh đã tập trung nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau để hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề, nâng cao giá trị kinh tế, kích cầu sản phẩm, để sản phẩm làng nghề được giới thiệu đến thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, Bến Tre đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đến các làng nghề ngày càng hoàn chỉnh, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, xã và ấp đã được bê-tông hóa tạo nhiều điều kiện thuận lợi để vận chuyển sản phẩm làng nghề tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Một số làng nghề trong tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế tác để nâng cao chất lượng sản phẩm nghề, liên kết hợp tác giữa các làng nghề trong tỉnh và ngoài tỉnh, liên kết giữa làng nghề với các doanh nghiệp du lịch trong khu vực, trong vùng và ngoài nước để phát triển. Các làng nghề đã chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến thị trường trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, brochure và thông qua các công ty lữ hành trong chương trình du lịch tham quan làng nghề.

Với thế mạnh là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, với gần 60.000 ha dừa, cây dừa đã tạo ra hiệu quả kinh tế lớn cho tỉnh, dừa đã được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau, trong chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa, đan giỏ cọng dừa, làm thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, chỉ sơ dừa, mụn dừa,…

Dừa Bến Tre còn được sử dụng trong ẩm thực đã tạo nên một dấu ấn ẩm thực độc đáo. Văn hóa ẩm thực dừa của Bến Tre có nét đặc trưng riêng so với các tỉnh thành trong khu vực, nên tỉnh đang vận động các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà hàng cũng như các điểm du lịch chế biến nhiều món ăn đặc trưng của Bến Tre nhằm tạo sự đa dạng trong các món ăn, xây dựng ẩm thực dừa thành một sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh tạo nên một điểm nhấn riêng, chú ý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, để giới thiệu đến du khách.

Với những tiềm năng du lịch đã, đang và tiếp tục khai thác thì thương hiệu du lịch Bến Tre ngày càng được khẳng định với du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống không bị mai một theo thời gian, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng và độc đáo trong ẩm thực xứ dừa đang là nhiệm vụ cấp thiết đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, sự đồng tình ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung cấp các dịch vụ du lịch, để du lịch Bến Tre chấp cánh bay xa hơn nữa./.

Nguồn: bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục