Bạc Liêu: Nâng cao chất lượng quà lưu niệm phục vụ du lịch
Quan tâm xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa riêng được xem là việc đầu tư lâu dài cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà, đồng thời góp phần nâng cao doanh thu cho ngành “công nghiệp không khói”.
Là vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, Bạc Liêu đã khai thác tốt tiềm năng và biến nó thành thế mạnh để thu hút khách du lịch. Đến với Bạc Liêu, du khách sẽ được khám phá những công trình văn hóa, di tích mang đậm dấu ấn của vùng đất và con người nơi đây. Ngoài ra, những sản phẩm phục vụ du lịch đa dạng, bắt mắt gắn liền với giai thoại Công tử Bạc Liêu, nghệ nhân tài hoa Cao Văn Lầu, bản Dạ cổ hoài lang bất hủ, nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT)… cũng sẽ gieo vào lòng khách phương xa những ấn tượng khó phai.
Có thể điểm qua một số địa điểm du lịch nổi tiếng có kèm theo dịch vụ bán quà lưu niệm như: Nhà khách Hùng Vương, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu. Các điểm này đều có trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, chẳng hạn: biểu tượng công trình Điện gió; biểu tượng đờn kìm; tranh ảnh về phong cảnh thiên nhiên và con người Bạc Liêu…
Để tạo ấn tượng cho du khách, các điểm du lịch cũng đã xây dựng nhiều sản phẩm “độc quyền” gắn với đặc điểm của mình. Với hơn 150 mặt hàng, quầy bán hàng lưu niệm nhà Công tử Bạc Liêu của chị Võ Thị Hồng Thu được khách du lịch rất ưa chuộng. Trong số đó, rượu Công tử và sách giai thoại về Công tử Bạc Liêu được xem là mặt hàng chủ đạo. “Các mặt hàng của chúng tôi khá phong phú về mẫu mã, lại hợp túi tiền của du khách. Ngoài ra, chúng tôi rất chú trọng xây dựng hình ảnh Bạc Liêu qua những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa riêng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm nhiều mặt hàng mới lạ được sản xuất trong tỉnh, điển hình như các mặt hàng làm từ tre, trúc của huyện Phước Long”, chị Hồng Thu chia sẻ.
Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nghệ nhân Cao Văn Lầu vừa được khánh thành cách đây chưa lâu, thế nên quà lưu niệm du lịch chưa phong phú. Tuy nhiên, những mặt hàng mang đặc thù riêng cũng đã bắt đầu thu hút khách du lịch. Đến đây, du khách không chỉ tham quan các hiện vật, nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của nghệ nhân Cao Văn Lầu, sự phát triển của “bài ca vua”… mà còn có thể mang về những món quà du lịch độc đáo như: biểu tượng đờn kìm, đĩa CD các vở cải lương, bài vọng cổ vang bóng một thời. Trong đó, song lang là mặt hàng thường được khách du lịch mua làm quà tặng bạn bè hay giới tài tử mua làm nhạc cụ để biểu diễn ĐCTT.
Phong phú, đẹp mắt và độc đáo là những đánh giá của du khách khi đến với các quầy quà lưu niệm tại Bạc Liêu. Tất cả đều cảm thấy vừa lòng vì chọn được những món quà chất lượng tặng cho người thân sau chuyến du lịch. Cô Mai Thúy Vinh, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Đến với đất ĐCTT, ngoài việc tham quan các công trình kiến trúc, di tích nổi tiếng, ai cũng muốn mang về những món quà ý nghĩa. Chuyến đi đã giúp tôi hiểu hơn về văn hóa của Bạc Liêu xưa và nay. Bên cạnh đó, tôi cũng rất vui vì mua được những món quà lưu niệm hợp túi tiền và đẹp mắt, mang đặc trưng riêng của vùng đất này”.
Tuy nhiên, một thực tế cũng cần nhìn nhận là các mặt hàng phục vụ du lịch của Bạc Liêu chưa nhiều và chỉ tập trung ở một vài điểm. Ngoài ra, tình trạng nhập hàng có xuất xứ từ nơi khác cũng còn khá phổ biến ở nhiều điểm du lịch. Thiết nghĩ, để ngành “công nghiệp không khói” phát triển bền vững, việc đầu tư nhiều hơn nữa cho những sản phẩm du lịch là hết sức cần thiết. Với vai trò “đầu tàu”, Sở VH-TT&DL cần xây dựng những sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng các mặt hàng, để Bạc Liêu trở thành điểm đến thú vị và ấn tượng hơn trong thời gian sắp tới./.