Non nước Việt Nam

Lúa nếp vàng - Đặc sản vùng cao Bắc Kạn

Cập nhật: 13/06/2014 10:57:31
Số lần đọc: 2637
Đến các cánh đồng của Bắc Kạn những ngày đầu tháng 11 có thể thấy khắp nơi một màu vàng rực của lúa mùa, lẩn trong đó có nhiều thang ruộng trồng lúa nếp vàng. Cả không gian thoang thoảng hương vị nếp thơm.

Chúng ta có dịp trở lại vùng phía Tây huyện Chợ Mới, lúc này đâu đâu cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp thu hái lúa. Bên cạnh các thửa ruộng trồng lúa Bao thai, người dân đều dành một phần diện tích cấy lúa nếp. Lúa nếp có nhiều loại: Khẩu nua lương, khẩu nua lếch, khẩu nua ca, khẩu nua pái… nhưng người dân trồng nhiều nhất vẫn là khấu nua lương (lúa nếp vàng).

 

Tìm hiểu về giống lúa, cách trồng, cách hái  người dân ở đây cho biết: đây là giống lúa địa phương, không biết có từ bao giờ, từ đời ông, bà của bác đã sử dụng giống lúa này và để lại cho con cháu. Khi chọn giống phải lựa những bông dài, hạt to, đều. Lúa này chỉ được trồng vào vụ mùa, không trồng vụ xuân. Khi cấy chỉ dùng mạ nhổ, không dùng mạ xúc. Qua 3 tháng trồng, chăm sóc, đến khi bông lúa vừa vào mẩy, vỏ vẫn còn xanh là khi hái nếp về làm cốm. Cốm còn được dùng với đường cát, đỗ xanh, lạc, bột quả hồng khô tùy khẩu vị từng người. Mỗi năm gia đình chỉ làm cốm một lần. Nếp vừa làm cốm chỉ trong khoảng một tuần, nếu chọn lúa quá non sẽ bị dính, bết, còn sau khoảng thời gian đó làm cốm sẽ bị cứng.

 

Hết mùa cốm, đến khi lúa chín vàng, thời tiết bắt đầu có sương đêm là lúc thu hái nếp tốt nhất. Ở đây, bà con thu hoạch lúa nếp bằng tan khấu (cái hái), hái từng bông và xếp so le nhau, cũng chính vì vậy mà người ta còn gọi là nếp hái. Đây là cách thu hoạch thủ công, cách thu hái này đã được truyền lại từ rất lâu và đến nay, người dân Bắc Kạn vẫn còn giữ được nét truyền thống đó. Một nghìn mét vuông nếu cả gia đình có các bà, các mẹ, con dâu, con gái thu hoạch thì phải hai ngày mới xong. Hái xong, lúa nếp được bảo quản bằng cách treo trên hiên nhà sàn. Người dân không phơi nếp hái ngoài trời nắng nên khi sát không vị vỡ hạt gạo mà nguyên hạt to, đều. Cách thu hái và bảo quản sản phẩm đặc biệt khiến nếp hái thơm ngon hiếm có.

Khi thu hoạch xong lúa mùa, người dân ăn tết lúa mới, nếp vàng được dùng làm xôi, làm bánh dày cúng tổ tiên, cảm ơn trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Nếp vàng cũng được dùng làm bánh chưng tết, xôi đăm đeng khi Tết Thanh Minh, làm bánh gio khi Tết Đoan ngọ, làm bánh gai, bánh dợm dịp Tết tháng 7. Đặc biệt, lúa nếp vàng không thể thiếu khi làm bánh chưng buộc lạt đỏ mang đi đón dâu mới.

 

Lúa nếp vàng hiện có giá bán cao nhất ở chợ phiên. Thời điểm này có nhà đã thu hoạch xong và ăn tết lúa mới. Xôi được làm từ lúa nếp hái thường dẻo, thơm, bề mặt như có lớp dầu làm nên độ bóng và vị ngậy hiếm có, vì vậy, người ta còn gọi khẩu nua lương là khẩu nua pì pết (nếp mỡ vịt).

 

Ngày nay, đời sống ngày càng phát triển, người dân đã ứng dụng trồng các loại lúa cho năng suất cao hơn, thu hoạch bằng phương pháp tiến bộ, hiện đại, nhưng nhiều người nông dân vùng cao Bắc Kạn vẫn giữ được giống lúa cùng phương pháp thu hoạch, bảo quản truyền thống tạo nên sản phẩm đặc trưng vốn có của vùng./.

Nguồn: backan.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT