Hấp dẫn bánh đập miền Trung
Bánh đập là bánh tráng (bánh đa) nướng kèm với bánh ướt mới ra lò kẹp vào nhau. Lúc ăn, chỉ cần đập bộp vào giữa bánh rồi chấm với mắm nước hay mắm cái (mắm nêm). Đơn giản vậy thôi mà một lần ăn bánh đập là ghiền.
Bánh ướt được làm bằng bột gạo, như các loại bánh ướt thông thường. Nhưng để làm bánh đập, phải là loại bánh ướt mỏng, dai, vừa mới tráng tại lò. Bánh chín lấy ra, trải trên dĩa cho nguội. Bánh tráng phải là loại bánh mỏng, đường kính to hơn cái bánh ướt chút xíu, mới nướng, còn dòn rụm. Dùng que hoặc đũa lấy bánh ướt từ đĩa đặt lên trên bánh tráng, rải hành lá xào dầu và tôm xay nhuyễn lên trên. Gấp bánh lại thành hình bán nguyệt, đập cho các mép bánh dính vào nhau. Thế là có bánh đập.
Bí quyết món bánh đập ngon hay không chính là nước chấm, được pha theo công thức bí truyền của người bán. Vì lẽ đó, cũng là bánh đập nhưng ở quán này khách rất đông, nhưng quán kia lại không bằng. Nước chấm cho bánh đập được làm từ nước mắm, mắm nêm, mắm cái… được pha loãng nhưng vẫn sánh, đủ vị mặn, ngọt, chua, cay…Khi dùng, tùy theo sở thích của thực khách mà trộn thêm vào chén nước mắm ít hành tươi phi dầu hoặc sa tế, hành phi… Ai thích cay thì thêm vài lát ớt, muốn chua hơn thì vắt chút chanh.
Dùng kéo cắt bánh đập thành những miếng nhỏ hình cánh quạt hoặc hình quân cờ (tuỳ theo ăn bằng tay hay dùng đũa). Cầm từng miếng bánh đập chấm vào chén nước mắm, với hành xào, hành phi, sa tế …đưa lên miệng, tiếng vỡ dòn rụm của bánh tráng nướng quyện với bánh ướt dẻo, vị béo của hành mỡ, đậm đà của tôm chấy cùng mặn, ngọt, chua, cay …thật ngon miệng, vừa ăn vừa hít hà. Có dịp ra miền Trung, bạn đừng quên ghé ăn món bánh đập./.