Hoạt động của ngành

Phong phú tiềm năng du lịch Mộc Châu – Sơn La

Cập nhật: 17/06/2014 11:44:43
Số lần đọc: 1461
Cao nguyên Mộc Châu là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, có địa hình đa dạng, khí hậu ôn đới trong lành, mát mẻ, cảnh quan đẹp và thoáng đãng. Đây chính là điểm du lịch tiềm năng lý tưởng cho du khách tới tham quan và nghỉ dưỡng.

Đến Mộc Châu, du khách thỏa sức phóng tầm mắt ngắm nhìn cao nguyên rộng bao la hơn 50.000 ha, với những đồng cỏ xanh mướt, đồi chè bạt ngàn, những rừng mơ, mận, đào trải dài cả sườn núi, đồi. Nơi đây cũng là địa chỉ có khá nhiều danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình: Chợ nổi trên sông Đà, Hang Dơi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia và động Sơn Mộc Hương, đồi thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, khu bảo tồn quốc gia Xuân Nha, đỉnh Phiêng Luông cao 1.500m. Ngoài ra, còn có hệ thống di chỉ khảo cổ học khu vực ven sông Đà như: hang Quan Tài, hóa thạch động vật ở khu vực xã Chiềng Yên, dấu tích khắc trên đá của khu vực xã Xuân Nha và các điểm di tích lịch sử văn hóa cách mạng: Đồn Mộc Lỵ, bia lưu niệm Đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào...

Cùng với danh lam thắng cảnh, Mộc Châu còn có nhiều suối nước nóng (Mường Khoa, Phu Mao, Bản Bó, Hua Păng...) và hội tụ nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Thái trắng, Mường, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú. Mỗi dân tộc với tập quán ăn ở, sản xuất khác nhau đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa và lễ hội. Hấp dẫn nhất là phiên chợ tình (1 năm chỉ có 1 lần). Đồng bào Mông ở các tỉnh lân cận không hẹn nhưng cứ đến ngày Tết Độc lập (mùng 2 tháng 9) hàng năm lại về đây gặp gỡ, giao lưu, hò hẹn…

 

Với tiềm năng của mình, Mộc Châu có thể phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, đặc trưng của một vùng cao nguyên, như: Du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu… Điều thú vị là du khách không chỉ tìm hiểu về sản xuất chè mà còn được tham gia lao động sản xuất để trải nghiệm cảm giác của người hái mận, trồng rau và hoa…; được tham quan du lịch di sản văn hóa tộc người, hòa mình vào cảnh quan, môi trường sống, nét sinh hoạt gắn liền với những phong tục tập quán và thưởng thức văn hóa của đồng bào các dân tộc; được tham gia du lịch dưỡng bệnh với các suối khoáng nóng, các thảo dược trồng trên cao nguyên, hoặc du lịch thể thao, vui chơi giải trí: Leo núi, nhảy dù, đua ngựa, du thuyền…

 

Với những điều kiện thuận lợi về du lịch sinh thái và nhân văn, Mộc Châu có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, vùng đất này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Sản phẩm du lịch còn nghèo, đơn điệu, khả năng cạnh tranh không cao; hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập, thiếu thốn so với yêu cầu phát triển. Sở dĩ có tình trạng này là do nguồn lực tài chính đầu tư còn ít, môi trường kinh doanh, đầu tư chưa thật sự hấp dẫn…

 

Để du lịch Mộc Châu phát triển tương xứng tiềm năng, ngành du lịch phải tập trung giải quyết một loạt vấn đề trước mắt và lâu dài. Trong đó, phải có chiến lược tổng thể với những bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện và thế mạnh của Mộc Châu; phải điều tra và thống kê phân loại tài nguyên du lịch, trên cơ sở đó, lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các tuyến, điểm du lịch. Đồng thời, ưu tiên xây dựng và triển khai chiến lược sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao về du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá hang động và sông Đà. Mặt khác, cần huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư từ khi xây dựng quy hoạch đến tổ chức thực hiện; tích cực tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch… Những giải pháp trên được tiến hành đồng bộ và tích cực, Mộc Châu mới trở thành khu du lịch quốc gia, điểm nhấn của vùng du lịch Tây Bắc../

Nguồn: sonla.gov.vn

Cùng chuyên mục