Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách
Tuy nhiên, Bà Rịa - Vũng Tàu đang cân nhắc mô hình, cách làm phù hợp với thực tế địa phương và tốc độ phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hướng dẫn thông tin, bảo vệ du khách
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 18%/năm. Theo nhận định, ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai gần bởi ưu thế về vị trí địa lý ngày càng phát huy và sự chủ động từ khối doanh nghiệp trong việc tạo sản phẩm, dịch vụ, quảng bá. “Tuy nhiên, để hoàn thiện chất lượng dịch vụ cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến, thu thập thông tin phản hồi từ du khách làm cơ sở để điều chỉnh, cải tạo dịch vụ. Bên cạnh đó, trong thời gian lưu trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách sẽ gặp một số tình huống cần sự trợ giúp như: Cơ quan quản lý du lịch, tư vấn nhà hàng, quán ăn, vận chuyển, điểm tham quan, an ninh trật tự, mua sắm sản vật địa phương… TTHTDK sẽ là đầu mối đáp ứng nhu cầu về thông tin và bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch”, ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở VHTTDL Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, khá nhiều tỉnh, thành đã thành lập TTHTDK như Hội An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Nội... Các trung tâm này có thể mang tên gọi khác nhau như Trung tâm Thông tin du lịch, TTHTDK trực thuộc Sở VHTTDL, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch hoặc Phòng Văn hóa - thông tin. Các trung tâm nói trên hiện đang làm tốt công tác đầu mối thông tin (có kèm cảnh báo) để du khách chủ động trong chuyến du lịch.
Phải căn cứ vào thực tế địa phương
Vừa qua, Sở VHTTDL Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với đại diện Sở Nội vụ, các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu và Hiệp hội Du lịch tỉnh bàn về việc thành lập TTHTDK. Hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh ý tưởng cần có nơi hỗ trợ du khách nhưng phải phù hợp với thực tế địa phương và tốc độ phát triển du lịch của tỉnh. Đại diện các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc nêu thực tế, hoạt động du lịch trên địa bàn gần đây khá sôi động, lượng du khách đổ về nhiều. Hầu hết các khu du lịch, resort ven biển đều sử dụng các công cụ chỉ dẫn khá cụ thể như bản đồ trực tuyến, bảng chỉ đường đặt trên quốc lộ, niêm yết tên, địa chỉ phía trước rõ ràng, tổ chức đón tiếp ở đầu mối giao thông... Hơn nữa, dịch vụ bên trong các khu du lịch (KDL), resort khép kín, từ ăn, ngủ, tắm biển đến thể thao, thư giãn đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của khách lưu trú. “Mỗi tháng, Ban quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc trợ giúp khoảng 2-3 du khách, chủ yếu hỏi đường, nơi đóng tiền điện thoại, đổ xăng”, ông Nguyễn Phước Lợi, giám đốc Ban quản lý các KDL Xuyên Mộc cho biết.
Tại TP. Vũng Tàu, Ban quản lý các KDL làm nhiệm vụ quản lý. Đoàn liên ngành của TP. Vũng Tàu cũng duy trì thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong những đợt cao điểm du lịch. “Trong khi Nhà nước không cho tăng thêm biên chế thì việc thành lập TTHTDK là không khả thi, chỉ cần bổ sung thêm nhiệm vụ, chức năng cho Ban quản lý các KDL địa phương và thành lập tổ hỗ trợ khách du lịch trực thuộc ban này là phù hợp”, bà Trương Thị Quý, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP. Vũng Tàu đề xuất.
“Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch sẽ lập phương án thành lập TTHTDK để đón đầu những năm tiếp theo. Khi tham gia xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Sở VHTTDL Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đưa việc thành lập TTDTDK vào thành nhiệm vụ phải hướng đến”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết./.