Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Gìn giữ nét văn hóa buôn, làng, thôn, xóm

Cập nhật: 18/06/2014 09:03:51
Số lần đọc: 1198
Một trong những khâu quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở của tỉnh Đắk Lắk thôn, buôn, cộng đồng xây dựng hương ước, được coi như "bộ luật của làng", tự quản trong khuôn khổ những quy định cho phép của pháp luật, nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội, cộng đồng; xây dựng buôn, làng, thôn, xóm văn hóa.  

Thông qua hương ước, mối quan hệ cộng đồng ngày càng được thắt chặt, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích con em học giỏi, chăm ngoan... Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk có 2.343 thôn, buôn đã xây dựng và ban hành hương ước (đạt 95%).


Hương ước của thôn 3, xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) được các vị già làng, trưởng buôn lưu truyền và được người dân cùng thống nhất sửa đổi bổ sung phù hợp qua nhiều thế hệ. Già làng thôn 3 Nguyễn Văn Đồng cho biết, tất cả việc lớn, nhỏ của thôn đều được đưa ra bàn bạc trước dân để lấy ý kiến thống nhất xây dựng hương ước. Sau khi được UBND thành phố Buôn Ma Thuột phê duyệt, hương ước trở thành "bộ luật của làng", do chính đông đảo người dân đặt ra, cho nên luôn nhận được sự đồng lòng, chung sức và nghiêm túc thực hiện của bà con trong thôn. Nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới được triển khai nhanh chóng, trong đó có việc xây dựng đường giao thông nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...

Cùng với đó, vấn đề an sinh xã hội cũng được hương ước quy định rõ như chống tảo hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng và chung thủy; vợ chồng chỉ được sinh từ một đến hai con... Nếu hộ nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước thì đưa ra kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc trước mọi người; còn hộ nào thực hiện tốt các quy định trong hương ước thì sẽ được đề nghị khen thưởng. Hơn bốn năm qua, 100% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba; hạn chế được nạn tảo hôn, bỏ được hủ tục để người chết trong nhà quá ba ngày, rồi tổ chức ăn uống linh đình...

 
Đời sống của người dân trong thôn ngày càng khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 đến 4%/năm.

Hương ước ở buôn Ea Mắp, xã Ea Pôk, huyện Cư Mgar còn quy định rõ việc gìn giữ và bảo vệ rừng Hlăm trên địa bàn của buôn. Già làng Y Ruê Mlô cho biết: Lệ làng không thể đem ra so với luật pháp nên ban tự quản buôn không bắt bớ, không phạt tiền mà chỉ xử lý nội bộ, lấy giáo dục là chính.


Vì vậy, buôn sẽ tổ chức họp họ tộc, họp buôn, nêu tên người vi phạm ra để kiểm điểm, nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ... Nhờ vậy mà khu rừng Hlăm có diện tích hàng chục héc-ta được phủ một mầu xanh mướt của nhiều cây đại thụ hàng trăm năm tuổi. Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ đời sống, kinh tế của người dân mà còn để gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như lễ bỏ mả, cúng bến nước, cúng thần rừng, khai nương...

Các bản hương ước đều có những quy định phù hợp pháp luật, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ việc quản lý và phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống văn hóa ở cơ sở. Đám tang nhiều nơi đã bỏ hẳn tục làm cỗ mời cả làng, giảm số vòng hoa, lễ mặn. Ở nhiều địa phương, nhân dân hưởng ứng việc tổ chức đám cưới tiệc trà. Thông qua việc thực hiện hương ước, sự liên kết trong cộng đồng chặt chẽ hơn, mỗi người sống trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết làm điều tốt, tránh xa cái ác, góp phần xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Đó chính là cơ sở để các gia đình phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, các làng xây dựng làng văn hóa.


Câu lạc bộ (CLB) Gia đình nông dân văn hóa ở thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) sinh hoạt mỗi quý một lần, mục tiêu là vận động hội viên xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc và phát triển kinh tế; góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".


Anh Lê Thương Quang là một trong những hội viên tham gia sinh hoạt CLB Gia đình nông dân văn hóa từ những ngày đầu mới thành lập. Trước đây, khi gặp khó khăn, anh Quang được CLB cho vay ba triệu đồng để mua phân bón chăm sóc bốn sào cà-phê và một ha điều; từ năm 2009 đến nay, mỗi năm vợ chồng anh Quang chăn nuôi hai con bò, 300 con gà và hàng chục con lợn... thu về hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống gia đình ngày một khá giả, hạnh phúc gia đình luôn bền vững; hai đứa con của vợ chồng anh Quang đều ngoan ngoãn, học giỏi.


Từ những hoạt động thiết thực đến nay, CLB Gia đình nông dân văn hóa ở thôn 6 đã thu hút được 75 gia đình hội viên nông dân tham gia (đạt 100% tổng số hội viên); 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 60% gia đình có kinh tế khá, giàu; 20 hội viên đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi... Hoạt động hiệu quả của CLB Gia đình Nông dân văn hóa đã góp phần đưa thôn 6 trở thành thôn văn hóa tiêu biểu ở huyện Krông Bông.


Từ cách làm trên, đến nay tỉnh Đắk Lắk có 345.976 gia đình được học tập về gia đình văn hóa, trong đó có 229.312 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Điều này cho thấy một hướng đi và cách làm đúng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của vùng đất cao nguyên./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục