Hà Nội: Hỗ trợ làng nghề xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng
Theo đó, thành phố hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề từ 3 tháng đến 1 năm cho các doanh nghiệp trong nước, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có cam kết bố trí việc làm cho học viên sau đào tạo; cơ sở đào tạo có đủ điều kiện dạy nghề theo quy định; cá nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, trong độ tuổi lao động (nam từ 16-60; nữ từ 16-55), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học... Ngành nghề đào tạo: gốm sứ, đậu bạc, thức đồng, điêu khắc, sơn mài, khảm trai. Mức hỗ trợ là 100% học phí và tiền mua tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo, thời gian đào tạo cho từng nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về hỗ trợ xúc tiến thương mại, đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, HTX khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại theo kế hoạch được UBND thành phố phê duyệt và có trong dự toán hằng năm. Khi tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh miền trung (từ tỉnh Quảng Bình trở vào) và miền Nam được hỗ trợ thêm 50% cước phí vận chuyển hàng hóa đến hội chợ, cao nhất không quá 6 triệu đồng/cơ sở/năm. Các làng nghề được UBND thành phố công nhận được hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề; tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho làng nghề. Mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/làng nghề/một nội dung.
Cũng theo quy định này, tại các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, doanh nghiệp trong nước, HTX, hộ gia đình được hỗ trợ 100% kinh phí để đầu tư xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn. Đồng thời, còn được hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng…
Theo thống kê, Hà Nội có 21 làng nghề truyền thống bị mai một, 17 làng nghề kết hợp du lịch./.