Hoạt động của ngành

Nà Hang (Tuyên Quang) giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Cập nhật: 13/08/2014 15:08:07
Số lần đọc: 2099
Nà Hang có 13 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc trên địa bàn huyện có những nét văn hóa tiêu biểu như hát then, cọi của người Tày, hát páo dung của người Dao, múa khèn, múa ô của người Mông…

Trong những năm qua, huyện Nà Hang đã có nhiều biện pháp để giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, thúc đẩy du lịch phát triển.

Hàng năm, huyện hỗ trợ, khuyến khích các xã tổ chức lễ hội truyền thống, liên hoan văn nghệ, thể thao quần chúng tại thôn bản; đưa hát then, cọi vào trường học; phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang để giới thiệu với khách du lịch một số nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc, bước đầu rất khả quan, được nhiều du khách đánh giá cao. Anh Đoàn Biên Thùy, một du khách đến từ Hà Nội nói, anh đã đến Nà Hang nhiều lần và thấy văn hóa vùng đất này rất đặc sắc, hấp dẫn. Cùng với cảnh đẹp thì những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, con người hiếu khách khiến du khách luôn muốn trở lại và giới thiệu với bạn bè tìm đến…

Ai đã từng đến xã Côn Lôn, Đà Vị, Sinh Long... để nghe hát dân ca dân tộc Mông, được hòa mình trong điệu khèn Mông và cùng nhảy múa bên bếp lửa rực hồng mới cảm nhận hết được những nét thú vị rất riêng, khó bắt gặp ở bất cứ nơi nào. Những chàng trai dân tộc Mông ở đây lớn lên mà không biết thổi khèn Mông thì bị coi là những người “mất gốc’’. Vì thế người Mông rất quan tâm đến việc dạy thổi khèn cho con cháu. Trong mỗi cuộc vui, chàng trai nào thổi khèn giỏi thì được các cô gái rất quý mến và có cơ hội “bắt” được vợ…

Đám cưới của người Dao ở một số xã trong huyện có nhiều nét đặc sắc vẫn được lưu giữ với đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc cổ như thanh la, bạt, trống và pí lè. Ông Bàn Kim Sơn là nghệ nhân hoạt động văn hóa văn nghệ ở bản người Dao Phia Trang, xã Sơn Phú cho biết, phong tục truyền thống của người Dao như lễ cấp sắc, lễ tơ hồng... vốn có từ lâu đời. Thôn đã thành lập đội văn nghệ truyền đạt cho giới trẻ vốn văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Người Dao không thể mất đi páo dung, kèn pí lè, đó thực sự là báu vật.

Văn hóa của người Tày ở Nà Hang được thể hiện sâu sắc trong làn điệu then, cọi, đàn tính, hát phong slư, lễ hội lồng tông, hát quan làng... Ông Hoàng Quang Hột ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả là người có hơn 20 năm hát quan làng cho biết, lối hát đối đáp quan làng mang tính chất văn nghệ, giải trí trong đám cưới, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết được cha ông truyền lại từ xa xưa. Tùy từng địa phương cụ thể, khi ông quan làng cất tiếng hát để kể cho nhà gái biết sự hiểu biết của mình về vùng đất đó với những lời hay, ý đẹp. Cô dâu được ví như một bông hoa đẹp đang nở rực trong vườn nhà gái, còn chú rể là người đến để mua bông hoa đó và ông quan làng có nhiệm vụ hát làm sao cho nhà gái nghe thuận tai và đồng ý bán bông hoa đó cho chú rể. Hiện nay, ngoài những buổi được mời đi làm quan làng, ông Hột cùng đội văn nghệ thôn Nà Khá thường xuyên luyện tập lối hát quan làng với ước mong “giữ lửa” văn hóa truyền thống cho mai sau…

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc huyện Nà Hang đã được chắt lọc, lưu giữ trong nhân dân như mạch nguồn sông Gâm chảy mãi.../.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục