Hoạt động của ngành

An Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo

Cập nhật: 14/08/2014 09:03:23
Số lần đọc: 1373
Nằm trên nền văn minh cổ, rực rỡ của Vương quốc Phù Nam, Di tích văn hóa Óc Eo, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang) từ nhiều năm nay đã được tỉnh An Giang nỗ lực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị, triệt để nghiêm cấm các hành vi vi phạm mua bán cổ vật.

Hiện, tỉnh An Giang đang khẩn trương chuẩn bị lễ công bố Óc Eo là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ/TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 26/9 tới.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng cầu qua gò Óc Eo, khẩn trương hoàn tất các hệ thống điện, nước sinh hoạt, thoát nước; xây dựng tạm nhà trưng bày cổ vật dưới chân núi Ba Thê để thuận tiện cho nhân dân, khách du lịch tham quan, tìm hiểu.

Trước đó, tỉnh An giang chọn đỉnh núi Ba Thê xây dựng nhà trưng bày hiện vật thu được sau khi khai quật khảo cổ di chỉ Óc Eo; thành lập tại Bảo tàng tỉnh phòng trưng bày, thông tin, lưu trữ cổ vật di chỉ văn hóa Óc Eo phục vụ công tác giáo dục, nghiên cứu, học tập cho học sinh, sinh viên, nhân dân, du khách tham quan, nhà khoa học trong nước và quốc tế. 

Tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, ý thức trách nhiệm bảo vệ, quản lý bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của văn hóa Óc Eo. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch, lập dự án khai quật, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo...

Nền Văn hóa cổ Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam đã tồn tại từ thế kỷ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII, trải dài nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Đồng tháp, Tiền Giang, Long An, thành phố Hồ Chí Minh và đến tận một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận.

Tại vùng núi Ba Thê (nay là thị trấn Óc Eo, tỉnh An Giang), là nơi đầu tiên phát hiện những di chỉ quan trọng của nền văn minh cổ Vương quốc Phù Nam.

Từ năm 1944 đã được nhà khảo cổ học, cựu Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) Louis Malleret khai quật và đề nghị đặt tên Óc Eo theo địa danh địa phương. 

Từ sau khi đất nước thống nhất 1975, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, khai quật hàng trăm địa điểm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã phát hiện lưu giữ trên 270 hiện vật; trong đó có 196 hiện vật bằng vàng, 47 hiện vật bằng đất nung, 22 hiện vật bằng đá như: gạch, đá, con dấu, tượng Phật, tượng Thần, đồ trang sức nhẫn, hoa tai, đồ gia dụng bếp lò, bình gốm, chậu, nồi nấu kim loại, đèn, bi ký, tư liệu thư tịch... 

Một số hiện vật quý của Óc Eo đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục như tượng Phật 4 tay và hai tấm bia đá lâu năm nhất Việt Nam được xác nhận kỷ lục số 645/KLVN ngày 4/1/2009 và xác lập số 691/KLVN ngày 12/12/2009 cho nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Óc Eo theo mô hình Linga lớn nhất Việt Nam./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục