Khám phá “tứ thú” thời xưa của người Việt ở Huế
Festival làng nghề Huế 2013, một bảo tàng tư nhân đầu tiên đã được thành lập do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thực hiện ở số nhà 114 đường Mai Thúc Loan. Hàng trăm hiện vật cổ giới thiệu hoa thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn (1802-1945) đã được trình làng đến đông đảo công chúng, giới yêu đồ cổ và các nhà nghiên cứu văn hóa, đài báo...
Và chủ đề trưng bày cho bộ sưu tập này có tên là “tứ thú” thời xưa là: Ăn trầu, Uống trà, Hút thuốc, Uống rượu. Với trên 200 hiện vật gồm các loại khay - quả - hộp - bình vôi – dao - ống xoáy - ống nhổ; các loại ấm chén - kỷ - khay – tô - hủ - chóe - lò siêu; các loại điếu ống, điếu bát, điếu cày, tẩu, hộp; các loại bình, nai, nậm, be, chai, chén, ly, khay, mâm.
Các cổ vật trên được chế tạo từ gỗ khảm xà cừ, sành sứ ký kiểu, vàng bạc, ngọc ngà, gốm, đồng, tre, ngà voi... thuộc vào dạng quý hiếm được trưng bày tại đây. Khi mà thời đại công nghệ với những điện thoại di động, vi tính, internet, video, nhạc số... đã lấn hết mọi cảm xúc nguyên thủy. Việc quay trở về, nhìn ngắm những thứ cổ vật ngày xưa đã từng một thời làm say mê bao bậc tiền nhân, quả là điều cần thiết để dung hòa chất cổ xưa và hiện đại trong bản thân mỗi con người.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, việc cho ra mắt bộ sưu tập nhằm tạo điều kiện cho quần chúng, đặc biệt là người thợ thủ công mỹ nghệ hiện nay tận mắt nhìn thấy tiêu bản quý hiếm, đạt đến tuyệt kỹ công phu của tiền nhân. Từ đó, những mẫu mã, chi tiết có thể được thợ thủ công học hỏi theo để làm lại, nhằm phục chế những cổ vật đã mất.
Ngôi nhà số 114 đường Mai Thúc Loan vốn là tư thất của cố nội ông Trần Đình Sơn – cụ Trần Đình Bá, Thượng thư Bộ Hình dưới đời cuối nhà Nguyễn. Qua quá trình lịch sử thay đổi, sau triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã bị chính quyền nhà nước Việt Nam quản lý. Sau 25 năm giải trình, được sự ủng hộ của rất nhiều giới, cuối năm 2012 đã được lãnh đạo tỉnh TT-Huế và TP Huế có quyết định tạo điều kiện thuận lợi nhất để ông Sơn đầu tư, tái tạo lại căn nhà cổ.
Trong vòng 4 tháng, từ 1 ngôi nhà đổ nát, ông Sơn đã bỏ ra số tiền 4 tỷ đồng phục dựng đã trở thành 1 ngôi nhà rường cổ tại đường Mai Thúc Loan như xưa kia mà cụ cố của ông Sơn đã từng ở. Với cấu trúc nhà rường Huế xưa pha trộn kiến trúc Pháp, trong trưng bày cổ vật thuộc dạng quý hiếm và có giá trị, Bảo tàng cổ vật tư nhân Trần Đình Sơn sẽ là một điểm đến rất thú vị./.