Hoạt động của ngành

Du lịch Thanh Hóa tăng tốc chào đón Năm Du lịch Quốc gia 2015

Cập nhật: 03/12/2014 10:00:10
Số lần đọc: 1395
(TITC) - Năm Du lịch Quốc gia là sự kiện du lịch thường niên có quy mô quốc gia và quốc tế do Bộ VHTTDL chỉ đạo và phối hợp tổ chức luân phiên ở mỗi khu vực, vùng miền. Năm 2015, Thanh Hóa là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2015 đang được địa phương tích cực triển khai thực hiện. 

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, địa hình trải rộng với 3 loại hình: miền núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Thanh Hóa phấn đấu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp với cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác du lịch và khẳng định thương hiệu, năng lực cạnh tranh. Thanh Hóa cũng tập trung khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế thương mại – công vụ; phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tăng cường liên kết nội tỉnh giữa Thanh Hóa với các địa phương trong đầu tư khai thác phát triển du lịch.

 

Hiện toàn tỉnh đã thực hiện 25 quy hoạch, trong đó có 8 quy hoạch chung và 17 quy hoạch cụ thể, chất lượng quy hoạch được nâng lên rõ rệt, có sự gắn kết phát triển giữa ngành và vùng lãnh thổ. Cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 66 dự án đăng ký đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch, trong đó tập trung vào các khu du lịch sinh thái biển như: Hải Hòa, Hải Tiến, Nam Sầm Sơn… Tính đến tháng 10/2014, toàn tỉnh đã có 672 cơ sở lưu trú với 14.000 phòng, trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1 – 4 sao.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng được quan tâm triển khai. Trong 5 năm gần đây đã có trên 200 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Một số dự án bảo tồn, phát huy và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đã được xây dựng và triển khai tại Di sản Văn hóa Thế giới – khu du lịch văn hóa lịch sử Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), di tích quốc gia đặc biệt – khu du lịch Lam Kinh (huyện Thọ Xuân và huyện Ngọc Lặc), khu du lịch Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), khu du lịch sinh thái Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn), khu du lịch văn hóa – sinh thái Trường Lệ (thị xã Sầm Sơn), khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), khu du lịch thác Ma Hao (huyện Lang Chánh) và khu du lịch suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy).

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch từng bước được cải thiện thông qua công tác đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý nhà nước tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Năm 2014, Thanh Hóa có khoảng 16.000 lao động trong ngành du lịch với 72% lao động được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó số lao động có trình độ đại học chiếm 16%.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được tăng cường. Bộ máy tổ chức từ cấp tỉnh đến các huyện, thị xã, phường, thị trấn có khu, điểm du lịch được tập trung kiện toàn. Chính quyền các địa phương trong tỉnh đã bước đầu quan tâm, chú trọng công tác phát triển du lịch.

Thanh Hóa phấn đấu năm 2015 thu hút 100 – 120 nghìn lượt khách quốc tế và 5 – 5,3 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 158,6 triệu USD. Việc tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2015 sẽ là cơ hội để Thanh Hóa quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra. 

Phạm Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục