Hoạt động của ngành

Du lịch Krông na (Đắk Lắk)- Sôi động một vùng biên giới

Cập nhật: 21/10/2008 15:10:41
Số lần đọc: 2705
Nằm về phía tây của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 50km xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa và sinh thái.

 

Tiềm năng đang trỗi dậy

Thật hiếm có vùng đất nào ở Tây Nguyên giàu tiềm năng phát triển du lịch như Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Trước hết đó là nét đẹp về truyền thống đậm bản sắc dân tộc Tây Nguyên.

 

Được biết Krông Na hiện có 1.200 hộ với 5.100 nhân khẩu gồm 14 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 76%. Sự hội tụ của nhiều dân tộc anh em đã làm cho Krông Na giàu bản sắc văn hóa. Và đây chính là thế mạnh để phát triển du lịch. Hiện nay bà con còn gìn giữ được nhiều lễ hội, nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Lễ hội cồng chiêng, lễ bỏ mả, lễ cầu mùa, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ mừng trưởng thành, lễ đâm trâu, lễ cúng voi, hội đua voi; những nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cũng nhờ vậy mà khi khách du lịch đến thăm các buôn làng như buôn Trí A, buôn Trí B, buôn Giang Lành, buôn Đrang Phốk..., đều được hòa mình vào nhịp chiêng, vào vòng xoang, được ngất ngây bên ché rượu cần, được thưởng thức hương vị đặc biệt của rượu Ama Kông, của cơm lam, gà nướng cùng những món ăn chế biến từ các loại cá đặc sản của sông Sê-rê-pốc. Vùng đất Krông Na còn đặc biệt ở chỗ, hơn 100 năm trước, nơi đây vốn là vùng săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng, để ngày nay trên vùng đất này vẫn còn hàng chục con voi nhà đang tham gia làm du lịch. Theo lời kể của các già làng, thì công việc săn voi ở đây nổi tiếng đến độ người ta coi săn và thuần phục voi như là một nghề, và có những người được suy tôn như Vua săn voi Khun Zu Nốp, dũng sĩ săn voi Ama Kông. Ngày nay, việc săn voi không được luật pháp cho phép, nhưng các già làng ở Krông Na vẫn truyền dạy cho đám thanh niên cách bắt và thuần phục voi rừng, để thể hiện tài năng trong lễ hội đua voi thường được tổ chức vào mùa lễ hội-dịp tháng 3 hằng năm.

 

Thành quả ban đầu

Chúng tôi về buôn Trí A, đây là một trong những buôn du lịch nổi tiếng nhất Tây Nguyên. Chính việc phát triển du lịch đã làm cho bộ mặt buôn Trí A và một số buôn khác ở xã Krông Na này đổi thay nhanh chóng, điện sinh hoạt tới từng nhà, đường giao thông được thảm nhựa, tuyến xe ô tô buýt đi đến hầu khắp các buôn.

 

Buôn Trí A đã được các công ty kinh doanh du lịch đầu tư khá lớn, cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn chỉnh, từ khu tham quan, nhà nghỉ, mô hình giới thiệu văn hóa truyền thống, điểm vui chơi nhằm phục vụ khách du lịch. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở buôn Trí A đã biết làm du lịch để tăng thu nhập. Buôn trưởng Ma An cho biết: “Một số hộ dân buôn Trí A đã bắt đầu tham gia. Mới đầu bà con cung cấp cho khách du lịch những sản phẩm truyền thống như rượu cần, cơm lam, trái cây, thuốc Ama Kông, nhạc cụ truyền thống. Trước những yêu cầu của sự phát triển và thị hiếu của khách du lịch những hộ có đất trong khu du lịch đã cho doanh nghiệp thuê, hoặc tự đầu tư mở cửa hàng tạp hóa bán đồ lưu niệm, hộ có voi nhà thì cho thuê, những nài voi thì vào làm “hướng dẫn viên” cho các công ty du lịch; những nghệ nhân biết diễn tấu chiêng, biết múa hát dân ca, dân vũ truyền thống thì vào các đội múa chiêng để phục vụ du khách. Tư duy kinh tế của bà con vượt khỏi giới hạn tự cung tự cấp, và tiến tới kinh doanh sản phẩm văn hóa.

 

Ở xã Krông Na không chỉ có người dân ở buôn Trí A biết làm du lịch, mà các buôn khác như buôn Đôn, buôn Yang Lành, buôn Trí B, buôn Ea Mah... bà con đã tham gia bằng cách cho con em vào làm nhân viên du lịch, đưa voi nhà vào phục vụ khách du lịch. Thống kê, hiện cả xã Krông Na có 30 người đang làm nhân viên Khu du lịch Văn hóa-Sinh thái Bản Đôn với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng; 14 hộ có voi cho các công ty du lịch thuê đưa khách tham quan với mức 500 nghìn đồng/con/ngày, và có hơn chục nài voi đang làm “hướng dẫn viên” du lịch cho các trung tâm du lịch trên địa bàn. Theo tính toán, mỗi năm doanh thu từ du lịch của xã Krông Na đạt khoảng 2 tỷ đồng.

 

Có thể nói với tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch, bước đầu đã mang lại nguồn lợi lớn không chỉ giúp Krông Na phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa truyền thống mà còn mở ra cơ hội về việc làm, tăng thêm thu nhập, giúp bà con xã vùng biên cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Nguồn: QDND

Cùng chuyên mục