Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thời Lý ở Bắc Ninh

Cập nhật: 16/10/2008 13:10:33
Số lần đọc: 2651
Ngày 14/10, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Di sản văn hoá thời Lý ở Bắc Ninh-Hiện trạng và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị”.

Những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp và toàn dân, các di sản văn hoá nói chung, đặc biệt là di sản văn hoá thời Lý trên quê hương Bắc Ninh được bảo tồn, phát huy với những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di tích, cổ vật, hiện vật, tài liệu được phát hiện, khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ trong Bảo tàng tỉnh. Các sinh hoạt văn hoá tâm linh thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội nhằm ghi nhớ sự kiện, danh nhân lịch sử văn hoá thời Lý góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Theo điều tra thống kê của ngành Văn hoá-Thông tin tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 1159 di tích, trong đó có 131 di tích liên quan tới triều đại nhà Lý. Phân loại bước đầu, có 88 di tích liên quan thờ các danh tướng triều Lý là nhân vật có thật trong lịch sử, 43 di tích thờ tướng nhà Lý là nhân vật theo sự tích thành hoàng; 60 ngôi đình, 33 ngôi đền, 26 ngôi chùa, 12 di tích khác là: mộ, nhà thờ, khu sơn lăng cấm địa và một số làng thờ các danh tướng triều Lý nhưng không còn di tích, chỉ còn thần tích, truyện kể lưu truyền trong dân gian.

Nhiều ý kiến, nghiên cứu đóng góp tại hội thảo làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử thời Lý như: Quê hương nhà Lý; chiến tuyến Như Nguyệt và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của quân dân nhà Lý; danh nhân Lê Văn Thịnh; Phật giáo và vai trò của các thiền sư thời Lý; chùa tháp thời Lý ở Bắc Ninh… Đồng thời đề xuất kế hoạch dài hạn phục dựng các công tình kiến trúc thời Lý như nguyên dạng, gắn liền với quy hoạch du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; xúc tiến khai quật những di vật Phật giáo thời Lý, sưu tầm hiện vật trong dân gian…

Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử -văn hoá có liên quan đến nhà Lý ở Bắc Ninh đang là vấn đề cấp bách và cần thiết, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn di sản văn hoá dân tộc mà thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó còn là nền tảng cơ sở cho việc giáo dục và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

 

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục