Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hoá

Cập nhật: 21/10/2008 16:10:45
Số lần đọc: 2697
Đó là chủ đề của buổi Hội thảo do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 20/10, tại Bảo tàng Không gian văn hoá Mường. Đồng chí Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh đã tới dự. Hội thảo có sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ ngành văn hoá, du lịch, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, Hoà Bình có nền “Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng trong nước và thế giới. Điều kiện thiên thiên và bề dày lịch sử văn hoá đã tạo cho Hoà Bình tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú, gây được ấn tượng sâu sắc với du khách. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có quần thể 175 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 35 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh. Hoà Bình là cái nôi của người Mường (người Việt cổ) với 4 mường nổi tiếng “Bi, Vang, Thàng, Động”. Sự độc đáo của bản sắc văn hoá được thể hiện qua phong tục, tập quán của các dân tộc Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Hoa, còn được lưu giữ khá nguyên vẹn với trên 30 lễ hội cộng đồng dân tộc.

 

Để khai thác những tiềm năng đó, Hoà Bình đã lựa chọn loại hình du lịch văn hoá - sinh thái. Đồng thời, tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế; gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm; cơ sở vật chất cho hoạt động du lịch được đầu tư; các cấp, ngành đã có sự phối hợp trong khai thác tiềm năng, phát triển ngành công nghiệp không khói. Tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân của tỉnh giai đoạn 2002 – 2006 đạt 27,9%. 9 tháng năm 2008, toàn tỉnh đã đón 534.000 lượt khách, thu nhập du lịch đạt 182 tỉ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2007.

 

      

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch chưa tương xứng với những tiềm năng, thế mạnh. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cho phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hoá còn hạn chế và chưa kịp thời. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn; chương trình du lịch văn hoá chưa được triển khai mạnh mẽ, sản phẩm du lịch chưa đa dạng; nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nhận thức về công tác xã hội hoá du lịch chưa cao. Do vậy, thị trường, nguồn khách du lịch chưa ổn định, doanh thu còn khiêm tốn. Nguyên nhân cơ bản được xác định là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, địa bàn khó khăn; nhận thức và phối hợp của một số cấp uỷ, chính quyền, ngành chưa đầy đủ; chính sách khuyến khích đầu tư, nguồn vốn dành cho phát triển du lịch còn hạn hẹp; nguồn nhân lực du lịch chưa cao.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo đã phát biểu ý kiến, nêu lên những tiềm năng phát triển du lịch của Hoà Bình, trong đó cho rằng, phát triển du lịch văn hoá - sinh thái là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với địa phương. Nhưng để thu hút và hấp dẫn khách du lịch hơn nữa, cần bảo tồn những giá trị văn hoá theo đúng nguyên bản, không có sự pha tạp, lai căng, như trang phục dân tộc, kiến trúc nhà sàn hay không sân khấu hoá quá mức các lễ hội. Các điểm du lịch cần có sự liên kết, phối hợp để tạo ra các tour hấp dẫn. Tăng cường hơn nữa công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch...

 

                     

Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá truyền thống, ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa ra 3 giải pháp chính: Phát huy sức mạnh của các cấp, nhành, toàn dân phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các loại hình du lịch văn hoá - sinh thái – sản phẩm văn hoá đặc trưng; tập trung đầu tư một số trọng điểm như khu du lịch hồ Hoà Bình thành khu du lịch quốc gia. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đưa du lịch văn hoá thành thế mạnh. Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá và phát triển du lịch, thu hút mọi nguồn đầu tư cho phát triển du lịch văn hoá của tỉnh.

 

Trước đó, buổi chiều và tối ngày 19/10, các đại biểu, du khách đã được tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng của người Mường và thưởng thức ẩm thực, các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc như biểu diễn cồng chiêng, hát thường rang, bọ mẹng
Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục