Hát múa bả trạo: Nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của ngư dân Bình Ðịnh
Ðây là một tiết lễ gắn liền với chu kỳ đánh bắt thủy, hải sản và các lễ diễn ra trong năm như: Nghi thức cúng đầm, lễ ra nghề, lễ tế đình làng, lễ thanh minh...
Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ, vừa là hoạt động nghệ thuật. Bả trạo là một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: Chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn các "Ðức ông" cùng những người chết sông, chết biển về nơi yên nghỉ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng kịch bản bả trạo của mỗi làng chài hầu như không có sự thay đổi cơ bản từ kịch bản múa hát bả trạo của cụ Tú Diêu, người làng Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Ðây cũng là một ý kiến cần đến giới nghiên cứu khoa học làm sáng tỏ trên diễn đàn nghiên cứu văn hóa miền biển nói chung, nghệ thuật hát múa bả trạo nói riêng.
Xã Phước Thuận còn lưu giữ nghệ thuật hát múa bả trạo có từ thế kỷ 17 và tồn tại dị bản hát múa bả trạo, mang bóng dáng của một thể loại hát bội cổ. Trong toàn bộ vở tuồng hát múa bả trạo ở Phước Thuận có dùng các làn điệu hát nam xuân, nam ai, nói lối, ngâm xướng, hò bài chòi... Hát nam xuân thể hiện tâm trạng vui tươi nhộn nhịp, như có trống thúc bên chân, còn những đoạn theo lối nam ai đã diễn tả thẩm sầu, lời hát ướt đẫm nước mắt. Một điểm dễ nhận thấy sự khác biệt với nghệ thuật hát bội Bình Ðịnh là hát bả trạo đòi hỏi toàn bộ các nghệ nhân phải hát cho rập trong một tiếng gõ sanh của người điều khiển. Ðộng tác hát bội truyền thống đã được cách điệu hóa, mang tính nghệ thuật cao. Còn động tác trong hát múa bả trạo mang nặng tính thực hành, gắn với thực tế cuộc sống hơn. Ðiểm khác biệt khá rõ nét giữa hát bả trạo và hát bội là động tác chèo thuyền, ở hát bội chỉ là cách điệu, là điệu bộ, còn hát bả trạo là có chèo thật.
Thời lượng trình diễn vở tuồng hát múa bả trạo khoảng 70 phút, Ngoài ý nghĩa biểu dương công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với Nam Hải Thần Ngư (cá Ông), nghệ thuật hát múa bả trạo còn mang một nội dung khác không kém phần quan trọng, là dịp thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước cuộc sống đầy thách thức của biển cả mênh mông. Hay nói cách khác, hát múa bả trạo nhằm phản ánh ước vọng một cuộc sống an lành, no đủ cho cộng đồng cư dân miền biển. Song, phải khẳng định rằng loại hình hát múa bả trạo ở Phước Thuận thì không thể lẫn lộn ở miền biển nào khác được.