Hoạt động của ngành

Hà Giang: Phát triển cơ sở lưu trú, nhà hàng, thúc đẩy du lịch vùng Cao nguyên đá

Cập nhật: 29/01/2015 08:57:40
Số lần đọc: 1669
Sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) năm 2010, không chỉ đánh dấu mốc phát triển mới của vùng đất này, mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch Hà Giang cất cánh.

Một ngôi nhà nghỉ giành cho du khách trong khu di tích Nhà Vương, Sà Phìn, Đồng Văn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, kể từ khi CNĐĐV trở thành CVĐCTC, đã trở thành điểm nhấn thu hút và nâng lượng khách đến với Hà Giang tăng lên mạnh. Năm 2014, lượng du khách đến với Hà Giang đạt 650.000 lượt, tăng 25% so với năm 2013; doanh thu du lịch – dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013. Nắm bắt nhu cầu thị trường du lịch, đặc biệt là trước sức hút của điểm du lịch mới, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực CNĐĐV đã được đầu tư phát triển mạnh những năm qua.
 
Tổng hợp của ngành VHTT&DL Hà Giang cho thấy, hiện nay trên khu vực CNĐĐV có đến 30 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 25 nhà nghỉ, 4 khách sạn 1 sao và 1 khách sạn 2 sao. Nhìn vào thực tế khoảng hơn 4 năm về trước, khi Cao nguyên đá chưa được công nhận là CVĐCTC thì khi đó mới chỉ có khoảng 1 khách sạn đạt sao. Nhưng qua hơn 4 năm, đã có đến 5 khách sạn đạt từ 1 – 2 sao. Còn đối với các nhà nghỉ, số phòng cũng như chất lượng đã được tăng lên đáng kể để đáp ứng nhu cầu du khách. Số lượng nhà hàng cũng phát triển, hiện trên vùng có đến 21 nhà hàng ăn uống.
 
Được biết, với sự đầu tư phát triển của tư nhân, sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đã giúp cho các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc là nơi có sự phát triển du lịch sôi động nhất trên vùng CNNĐĐV. Đến nay, riêng 2 huyện này đã có đến 4 khách sạn đạt từ 1 – 2 sao. Các huyện trên cũng chiếm phần lớn số lượng cơ sở lưu trú của vùng CNĐĐV với 22 trên tổng số 30 cơ sở lưu trú. Số lượng nhà hàng cũng chiếm phần lớn với 12/21 nhà hàng trên khu vực CNĐĐV. Đặc biệt tại huyện Đồng Văn, hiện đang mọc lên một khách sạn quy mô có thể coi là lớn nhất trên CNĐĐV do Công ty Hoa Cương xây dựng ở trung tâm huyện. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đang ghi nhận sự phát triển của các cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ phục vụ du lịch ở Đồng Văn cho thấy tốc độ phát triển du lịch đáng ghi nhận ở đây.
 
Đáp ứng nhu cầu nhà nghỉ, đặc biệt là trong mùa du lịch như mùa hoa tam giác mạch vừa qua, nhu cầu khách luôn cao hơn trước khả năng đáp ứng của các cơ sở lưu trú. Do đó, các làng văn hóa du lịch cộng đồng ở các huyện cũng sẽ có điều kiện để phát huy khả năng đón tiếp khách. Ví dụ như làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, Quản Bạ, làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, Đồng Văn... Không ít hộ dân ở các huyện CNĐĐV trong mùa du lịch cũng đã chủ động đón khách lưu trú, dù trong điều kiện chưa đầy đủ về cơ sở vật chất.
 
Mặc dù đã có sự phát triển mạnh về cơ sở lưu trú, nhà hàng, nhưng để đáp ứng nhu cầu du khách và từng bước xây dựng một điểm đến chất lượng, hấp dẫn và bền vững vẫn đặt ra không ít những nhiệm vụ cần phải nghiên cứu, thực hiện. Trao đổi với đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, được biết vừa qua Đề cương, nhiệm vụ Dự án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch Quốc gia CNĐĐV tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ VHTT&DL phê duyệt. Cùng với đó, chúng ta đang hướng đến phát triển du lịch trong 4 mùa nhằm đón khách quanh năm... Với hướng phát triển đó, theo chúng tôi, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển cơ sở lưu trú ở khu vực CNĐĐV, chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển các làng văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách; nghiên cứu phát triển các cơ sở lưu trú một cách đồng đều ở các huyện chứ không dồn về 1, 2 huyện như hiện nay.
 
Bên cạnh đó, theo đồng chí Ma Ngọc Giang, Phó Trưởng Ban quản lý CVĐCTC - CNĐĐV, để đáp ứng Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất Toàn câu Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng, phát triển hệ thống nhà nghỉ cũng đòi hỏi cần có sự gắn kết với truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng. Trong đó, đặc biệt là về mặt kiến trúc. Do đó, khi triển khai xây dựng các cơ sở du lịch, cần có sự định hướng,nghiên cứu phát triển kiến trúc theo kiến trúc địa phương hoặc mang dáng dấp, màu sắc của công viên địa chất... Để từ đó, tránh việc phát triển một không gian “Hà Nội” ở CNĐĐV như các chuyên gia về du lịch đã cảnh báo.
Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục