Long An: Di tích lịch sử-văn hóa Đình Tân Xuân được xếp hạng quốc gia
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hùng Khu, đại diện Cục công tác phía Nam - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định và trao bằng chứng nhận Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia của Đình Tân Xuân, bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc của Lễ hội làm chay cho Ủy ban Nhân dân thị trấn Tầm Vu và Ban hội hương Đình Tân Xuân.
Ông Trương Văn Biết, Phó Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành đã ôn lại những giá trị lịch sử của Đình Tân Xuân và Lễ hội làm chay.
Theo đó, Đình Tân Xuân là ngôi đình cổ của làng Tân Xuân xưa, nay thuộc thị trấn Tầm Vu huyện Châu Thành, Long An. Đây là một thiết chế văn hóa gắn liền với lịch sử khai hoang, mở đất của người Việt ở Long An, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.
Đình Tân Xuân cũng là nơi ghi lại nhiều dấu ấn và thờ tự các anh hùng liệt sỹ, các nghĩa sỹ yêu nước đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Ra đời từ đầu thế kỷ 19, đến nay Đình Tân Xuân là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Gắn liền với đình Tân Xuân, Lễ hội làm chay ở Tầm Vu cũng có lịch sử hình thành hơn 2 thế kỷ. Đây là hoạt động văn hóa dung hợp nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian, được hình thành trong không gian văn hóa Nam Bộ.
Lễ hội làm chay nhằm mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời cũng là dịp để người dân địa phương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, các nghĩa sỹ yêu nước trong phong trào võ trang kháng Pháp.
Đến nay, Lễ hội làm chay là một hoạt động thường niên, được tổ chức trong hai ngày từ 15-16 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng kết hợp vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian, Lễ hội làm chay được xem là một bảo tàng sống thể hiện sự phong phú về đời sống tinh thần, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết giữa các tôn giáo trong cộng đồng người địa phương.
Bà Trần Thị Nhanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho rằng đình Tân Xuân và lễ hội làm chay hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc, có tính đại diện, thể hiện nét đặc trưng của cộng đồng dân cư khu vực Tầm Vu-Châu Thành nói riêng và người dân Long An nói chung.
Sự kiện Đình Tân Xuân được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, Lễ hội làm chay được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là niềm tự hào và vinh dự cho chính quyền, nhân dân Long An.
Bà Trần Thị Nhanh cũng đề nghị ngành văn hóa thể thao và du lịch, chính quyền và nhân dân địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của di sản, có biện pháp bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà./.