Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch bền vững tại làng mộc Kim Bồng

Cập nhật: 06/03/2015 09:20:30
Số lần đọc: 1633
(TITC) - Để tăng cường phát triển kinh tế, Quảng Nam xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch. Các dự án khôi phục và phát triển các làng nghề gắn với hoạt động du lịch đã được xây dựng và triển khai, trong đó có làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP. Hội An).

Lịch sử hình thành mộc Kim Bồng

Nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Kim Bồng là nơi hội tụ tinh hoa của nghề mộc mà trong đó tiêu biểu là sự giao hòa giữa thơ và họa thông qua nghệ thuật chạm, khắc trên gỗ.

Nghề mộc Kim Bồng được hình thành vào thế kỷ 15 bởi những người Việt di cư từ vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh vào khai phá vùng đất Cẩm Kim. Mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An và thực sự phát triển thịnh vượng vào thế kỷ 18 với ba nhóm nghề: nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc dân dụng và nghề đóng tàu, thuyền mộc. Minh chứng điển hình về sự phát triển của nghề mộc Kim Bồng chính là nghệ thuật trang trí, chạm, khắc gỗ Kim Bồng độc đáo trên các công trình kiến trúc cổ ở Hội An và Kinh thành Huế.

Ngày nay, những người thợ Kim Bồng tài hoa vẫn lưu giữ nghề truyền thống, tham gia trùng tu các công trình kiến trúc cổ trong cả nước (các công trình kiến trúc ở Hội An, chùa Tịnh xá Ngọc Gián - Đà Nẵng); làm mộc trang trí cho các công trình hiện đại (khu du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh); tham gia đóng tàu, thuyền... Cùng với sự phát triển của du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng đã chuyển sang làm mộc mỹ nghệ (gồm các loại tượng gỗ và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày) để phục vụ du khách.

Đầu tư phát triển gắn với du lịch

Để khôi phục và phát triển làng nghề Kim Bồng gắn với hoạt động du lịch, từ năm 2003, Hội An đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng như: cổng chào, đường nội bộ, bến thuyền du lịch, cầu tàu du lịch, nhà đón tiếp và trưng bày sản phẩm truyền thống; vận động cư dân địa phương đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, trùng tu các nhà thờ họ, chỉnh trang sân vườn... Bên cạnh đó, bằng nguồn kinh phí khuyến nông và tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, Hội An đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác mẫu mã sản phẩm cho thanh niên trong làng; đầu tư xây dựng nhiều lò gốm thủ công cải tiến; hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong làng tham gia các lễ hội, hội chợ, hội thi trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh nghề mộc Kim Bồng... Hiện nay, Kim Bồng đã có khoảng 18 cơ sở sản xuất - kinh doanh; 3 công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm mộc Kim Bồng là Tân An, Trường An và Kim Bồng. Ngoài ra, Hợp tác xã Dịch vụ - Du lịch Kim Bồng (gồm 23 thành viên) cũng đã được thành lập, có chức năng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách tham quan làng nghề; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như trình diễn nghề mộc, tour xe đạp “Một thoáng Kim Bồng”…; vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm mộc (chủ yếu là xuất sang các nước thuộc khu vực châu Âu và Bắc Mỹ) với doanh thu khoảng 3-4 tỉ đồng mỗi năm.

Từ năm 2003 đến nay, làng mộc Kim Bồng đã trở thành mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu với lượng khách đến tham quan trải nghiệm rất cao. Riêng giai đoạn 2007 – 2010, tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân mỗi năm hơn 104%.

Giải pháp phát triển du lịch bền vững

UBND TP.Hội An vừa thông qua kế hoạch quản lý và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững tại làng mộc Kim Bồng. Để triển khai kế hoạch này, thành phố sẽ xây dựng lại mô hình tổ chức, quản lý làng nghề; thành lập 4 nhóm chức năng (nhóm trung tâm thông tin du khách, nhóm hướng dẫn khách tham quan, nhóm phục vụ ẩm thực, lưu trú và nhóm trình diễn nghề và sản xuất nghề); xây dựng các nhóm nghề truyền thống đặc trưng (đóng, sửa tàu thuyền, dệt chiếu, chạm mộc, chế tác các sản phẩm mộc); tổ chức tour tham quan di tích nhà thờ tộc, tour “Làm nghệ nhân Kim Bồng”, trình diễn ẩm thực mỳ Quảng, nướng cá, dịch vụ xe trâu… Đặc biệt, thành phố sẽ xây dựng chính sách 4P trong marketing là sản phẩm (Product), giá cả (Price), phân phối (Place), xúc tiến (Promotion) và tổ chức thí điểm dịch vụ lưu trú homestay tại nhà của 4 - 6 hộ dân…

Cùng với thành quả đạt được, những giải pháp trên sẽ tạo đà để làng mộc Kim Bồng phát huy tối ưu thế mạnh vốn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

Thanh Hải

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục