Nhìn ra thế giới

Thăm Dhamma Kaya (Thái Lan), thiền viện lớn nhất thế giới

Cập nhật: 14/11/2008 08:11:20
Số lần đọc: 3959
Du khách Việt Nam đến Bangkok, thủ đô của Thái Lan, thường được hướng dẫn đến thăm Hoàng cung cùng một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phật ngọc, Phật vàng… Ít người biết rằng, ở cách Bangkok không xa, có ngôi thiền viện cực kỳ hoành tráng, được xem là lớn nhất thế giới, có thể chứa đến một triệu người cùng một lúc.

Đó là thiền viện Dhamma Kaya, được xây dựng cách đây 20 năm.

 

Thiền đường giống như con tàu vũ trụ

 

Thiền viện Dhamma Kaya nằm trong tỉnh Pathum Thani ở phía Bắc Bangkok, cách trung tâm thủ đô chỉ 28km. Bỏ lại đằng sau quang cảnh ồn ào náo nhiệt của các khối nhà cao tầng cùng những đường phố đầy ắp xe cộ, chúng tôi đi vào chốn đồng quê yên tĩnh và thanh bình với nhiều rặng cây xanh rợp bóng.

 

Quy mô của thiền viện ở đây quá to lớn (tổng diện tích là 316ha), với những khu công viên, hồ nước, nhà để xe, nhiều kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, ôtô chạy bon bon trên các con đường tráng nhựa như trong một thành phố. Điều đáng chú ý là không có một tòa nhà nào có hình dáng một ngôi chùa Phật giáo cả.

 

Kiến trúc chính ở đây là ngôi đền có tên Dhamma Kaya Cetiya (còn gọi là Memorial Hall), được xây dựng để tưởng niệm người đã sáng lập ra giáo phái Dhamma Kaya - nhà sư Monkol Thepmuni. Tuy là thiền đường Phật giáo nhưng nó có hình dáng như một con tàu vũ trụ hoặc như một đĩa bay (vật lạ trên bầu trời mà người ta cho là từ hành tinh khác đến, gọi tắt là UFO).

 

Phong cách kiến trúc này nói lên ý tưởng chủ đạo của giáo phái Dhamma Kaya là làm cho Phật giáo thích ứng với thế giới hiện đại, thế giới của công nghệ vũ trụ và công nghệ thông tin.

 

Thái Lan có 400.000 ngôi chùa Phật, với đặc điểm kiến trúc truyền thống là rất cổ kính, đường nét uyển chuyển, phức tạp, chạm trổ và điêu khắc rất tinh xảo, công phu, có nhiều gian thờ và khảm thờ để thắp hương, tụng kinh, gõ mõ. Còn thiền đường Dhamma Kaya, tuy cũng gọi là Wat (chùa), nhưng kiến trúc lại rất hiện đại, giản lược đến mức tối đa, rất ít trang trí, chủ yếu là tạo một không gian rộng lớn và yên tĩnh để tín đồ ngồi thiền.

 

Trước cổng thiền đường là hai bức chân dung lớn: một là của nhà sư Monkol Thepmuni, người sáng lập giáo phái Dhamma Kaya, hai là của vị nữ tu Khun Yay, người kế tục sự nghiệp của Monkol Thepmuni sau khi ông qua đời.

 

Thiền đường này cũng là một “Tàng kinh các” lưu giữ các sách vở, di tích, di vật có liên quan đến lịch sử Phật giáo Thái Lan. Nét đặc biệt nhất của kiến trúc ở đây là mái vòm được lợp bằng một triệu viên ngói đúc bằng đồng thau (700.000 viên lợp bên trong và 300.000 viên lợp bên ngoài). Trên mỗi viên ngói có khắc phù điêu một tượng Phật, ngồi thiền trong tư thế kiết già, đôi mắt nhắm nghiền với nét mặt thanh thản, tạo ra quang cảnh một triệu mặt Phật quay về bốn phương tám hướng.

 

Thiền đường Cetiya cũng là nơi các cao tăng thuyết giảng Phật pháp và cách hành thiền. Nhưng sức chứa của thiền đường Cetiya có giới hạn, mà số tín đồ đến thiền hàng ngày lên đến hàng vạn người, nên người ta phải xây dựng thêm mấy khu ngồi thiền ở chung quanh, giống như những khu khán đài của một sân vận động lớn. Các thiền đường đều xây hai tầng, chiếm tổng diện tích mặt đất 300.000m2, có sức chứa 600.000 người. Khoảng sân trống ở bên trong có thể chứa 400.000 người. Trong những ngày đại lễ, thiền viện Dhamma Kaya có thể thu nhận một triệu tín đồ đến ngồi thiền cùng một lúc.

 

Chúng tôi vào một thiền đường có tên là Assembly Hall để quan sát và nghỉ ngơi. Gọi là thiền đường, nhưng nó giống như một nhà kho khổng lồ và thông suốt, không có tường, không có vách ngăn chia, chỉ có những hàng cột chống đỡ mái kho. Ở đây, có nhiều quầy bán thức ăn, bán đĩa và sách, tượng Phật. Đang là giờ nghỉ trưa nên chúng tôi cũng mua thức ăn và ăn như các tín đồ, kẻ ngồi trên bàn, người ngồi bệt dưới đất.

 

Phật giáo Thái Lan thuộc hệ Nam Tông (còn gọi là Tiểu Thừa) cũng như Phật giáo Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka, nên ăn mặn. Còn Phật giáo hệ Bắc Tông (Đại Thừa) như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thì ăn chay. Chỉ riêng một góc thiền đường này thôi mà tôi thấy hàng mấy ngàn tín đồ, có thể nói đông như kiến, tất cả đều mặc đồ trắng toát, họ ăn uống, nói chuyện rất khẽ, tuyệt đối không có tiếng ồn.

 

Một giờ sau, mọi người tiếp tục thiền. Hàng ngàn tín đồ mặc áo trắng ngồi xếp bằng dưới đất. Các nhà sư mặc áo vàng ngồi trước bục trên một sân khấu giống như ở nhà hát. Các sư giảng kinh, tín đồ ngồi phía dưới lắng nghe, có lúc đọc theo một vài câu. Kết thúc buổi giảng, tất cả mọi người cùng hát một ca khúc kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới. (Đây là ca khúc của giáo phái Dhamma Kala, tiếc rằng tôi không nhớ tên bài hát).

 

Trở lại giáo lý nguyên thủy của Đức Phật

 

Giáo phái Dhamma Yaki được thành lập năm 1916 bởi nhà sư Monkol Thepmuni (1889-1959), chủ trì chùa Paknam ở tỉnh Chonburi. Sau khi ông qua đời, người tiếp tục sự nghiệp của ông để dẫn dắt giáo phái là vị nữ tu Khun Yay. Năm 1970, bà Khun Yay xây dựng một thiền viện trên mảnh đất rộng 320.000m2 thuộc huyện Klong Luang, tỉnh Pathum Thani do một nữ tín đồ dâng hiến. Năm 1977, trên vị trí của thiền viện cũ, người ta xây lại thiền viện mới như hiện nay. Người đặt viên đá đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng là công chúa Chakri Sirindhon, được sự ủy nhiệm của quốc vương Thái Lan.

 

Từ diện tích 32ha lúc ban đầu, đến nay khuôn viên của thiền viện rộng đến 316ha. Số lượng người ở trong thiền viện là trên 2.000, gồm 900 nhà sư (mặc áo vàng), 600 tu sĩ (mặc áo trắng) và 600 nhân viên phục vụ, đó là chưa kể hàng ngàn tăng sinh đến thụ giáo tại đây, mỗi khóa học kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Người ta ước tính cứ mỗi Chủ nhật có khoảng 20.000 tín đồ đến tọa thiền tại đây. Đến dịp lễ, số người thiền định lên đến trăm ngàn người. Mỗi lần như vậy, lại có thêm hàng ngàn phục vụ viên tình nguyện đến làm việc.

 

Giáo phái Dhamma Kaya cho rằng trong Giáo hội Phật giáo Thái Lan hiện nay, nảy sinh nhiều vấn đề như: một số lễ tục cúng bái đã bị thương mại hóa, nhiều phần tử xấu chui vào trú ẩn trong chùa để trốn tránh luật pháp, quang cảnh chùa chiền trở nên quá náo nhiệt không thích hợp cho việc tĩnh tâm tu hành.

 

Chủ trương của Dhamma Kaya là trở về với những giáo lý nguyên thủy của Đức Phật. Sự thông tuệ và hạnh phúc có sẵn trong mỗi con người và ta có thể đạt đến hạnh phúc bằng con đường thiền định, tập trung tư tưởng để thanh lọc tinh thần, không nghĩ tới những ham muốn và dục vọng của đời thường. Việc tiến hành thiền định nên làm tập thể, để thông cảm, khích lệ lẫn nhau. Khi mỗi cá nhân đều tìm được sự an bình về tinh thần, không tranh giành, không ý đồ xấu, thì thế giới sẽ an bình, chấm dứt cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác trong bản thân mỗi con người là phương cách để đi đến chấm dứt chiến tranh, thiết lập hòa bình trên thế giới. Do đó, bài hát chính thức của Dhamma Kaya là bài hát kêu gọi hòa bình thế giới.

 

Dhamma Kaya chủ trương mở rộng vòng tay, kêu gọi Phật tử trên toàn thế giới, không phân biệt quốc tịch, hệ phái về đây tu hành và thiền định. Chúng tôi nhận ra ở đây nhiều nhà sư nước ngoài, chủ yếu là người ở các nước phương Tây, có người mặc áo trắng (còn đang thụ đạo), có người mặc áo vàng (đã được chính thức công nhận là sư của thiền viện).

 

Việc tuyển chọn sư ở đây cũng khắt khe hơn ở các chùa Phật khác. Muốn trở thành sư, phải có trình độ văn hóa đại học. Đối tượng để phát triển tín đồ là học sinh, sinh viên, trí thức, công tư chức, chủ yếu là tầng lớp trung lưu, có tài sản và có học thức. Để tránh cho con cái không bị lôi kéo vào cuộc sống ăn chơi đua đòi, nhiều bậc cha mẹ đã đưa hết cả gia đình vào đây những ngày cuối tuần để tu dưỡng và thiền định. Nhiều doanh nhân hoạt động căng thẳng suốt cả tuần cũng đến nơi này thiền định để giải tỏa stress, tìm lại sự an bình về tinh thần.

 

Tôn giáo cũng đổi mới

 

Người đứng đầu giáo phái Dhamma Kaya hiện nay là nhà sư Dhamma Chayo, 55 tuổi, được tín đồ xem như một vị Phật sống. Ông sống cách biệt, chỉ một số ít nhà sư đạt đến trình độ chân tu mới được tiếp xúc trực tiếp với ông, còn đại đa số tín đồ chỉ được chiêm ngưỡng ông qua hàng trăm màn hình tivi treo khắp nơi trong thiền đường. Dhamma Chayo là lãnh tụ tinh thần, là người dẫn dắt về phần giáo lý, giảng dạy Phật pháp và phương pháp thiền.

 

Lãnh tụ thứ hai là nhà sư Thattacheewo, vị này phụ trách việc quản lý và kinh doanh, công việc của ông rất nặng nề vì ngoài việc quản lý một bộ máy nhân sự trên 2.000 người tại thiền đường, quản lý các lớp học, ông còn phải lo việc phát triển giáo phái ra toàn Thái Lan và ở nước ngoài (hiện đã có 15 trung tâm Dhamma Kaya ở trong nước và hai trung tâm ở nước ngoài). Ông cũng lo việc vận động quyên góp mua thêm đất để mở rộng khuôn viên của thiền đường, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng mới.

 

Bộ máy quản lý của nhà sư có tên là Dhamma Kaya Foundation, thực chất là một đại công ty. Hiện nay, một sân bay nhỏ đang được xây dựng cạnh thiền đường với hệ thống giao thông và cơ sở dịch vụ đi kèm để đón tín đồ từ khắp đất nước về đây. Trong việc giảng dạy giáo lý, đọc kinh cầu nguyện, người ta sử dụng hệ thống nghe nhìn hiện đại. Để quảng bá giáo lý ra toàn quốc và ra thế giới, người ta sử dụng Internet và trạm truyền hình đưa lên vệ tinh.

 

Tôi đã đi thăm Thiếu Lâm Tự ở Trung Quốc, được tìm hiểu việc quản lý, mở rộng kinh doanh của nhà sư trụ trì chùa Thiếu Lâm là hòa thượng Thích Vĩnh Tín và rất khâm phục bản lĩnh kinh doanh của ông. Bây giờ đến thăm thiền viện Dhamma Kaya, tôi thấy quy mô kinh doanh của Dhamma Kaya Foundation còn lớn hơn gấp nhiều lần. Tự rút ra kết luận: cũng như các thể chế chính trị và kinh tế, nếu muốn phát triển, tôn giáo cũng cần đổi mới. Thành công của giáo phái Dhamma Kaya là canh tân Phật giáo, sử dụng những thành tựu của công nghệ hiện đại và làm cho Phật giáo thích ứng với xã hội tiêu thụ.

 

Đến nay, hoạt động của giáo phái Dhamma Kaya đã được sự tán đồng của hoàng gia Thái Lan, được sự ủng hộ của nhiều chính khách và tổ chức xã hội, được Liên Hiệp Quốc ca ngợi (thông qua tổ chức Y tế Thế giới, WHO) vì những đóng góp cho phong trào hòa bình.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT