Penang: “Hòn ngọc phương Đông”
Người Malaysia giải thích rằng tên Penang có nguồn gốc từ Pinang, nghĩa là Cây cau, loại cây phổ biến trên đảo. Penang trở thành thuộc địa của Anh khi Francis Light, một thuyền trưởng người Anh thuộc Công ty Đông Ấn, thuyết phục được vua Kedah nhượng quyền Penang cho công ty này vào năm 1786. Penang sau đó được đổi tên thành Prince of Wales (“Hoàng tử xứ Wales”), thị trấn chính trên đảo được đặt tên Georgetown, theo tên của Hoàng đế George Đệ tam của Anh. Dưới sự quản lý của Công ty Đông Ấn, Penang trở thành một thương cảng quan trọng trên trục đường hàng hải Á - Âu.
Penang còn là một bang của Malaysia. Đảo có hình dáng của một con rùa bơi trên biển, với tổng diện tích hơn 1.000km2. Đảo được nối với đất liền bằng một cây cầu dài 13,5km. Đây là cây cầu dài nhất châu Á và dài thứ ba trên thế giới.
Ở Penang, sự đa dạng văn hóa và sắc tộc thể hiện qua kiến trúc, tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực... Du khách có thể thấy rất nhiều ngôi nhà cổ kính hàng trăm năm tuổi, nằm bên cạnh không ít những tòa nhà hiện đại nhưng lại rất hài hòa với nhau trong không gian chung. Komtar là tòa nhà 58 tầng cao nhất Penang. Đứng ở bất kỳ vị trí nào trên hòn đảo này cũng có thể thấy nó.
Những ai lần đầu tiên đặt chân đến Penang sẽ ngạc nhiên vì sự cảm nhận mọi thứ diễn ra xung quanh không chỉ bằng thính giác hay thị giác mà cả khứu giác. Người ta ví von rằng Penang là nhà bếp của thế giới: Thức ăn đường phố với rất nhiều món ăn của các quốc gia lân cận được bày bán trên những chiếc xe đẩy thô sơ trông rất hấp dẫn thu hút khách du lịch. Khách thậm chí có thể tìm được cả hàng quẩy nóng - món ăn đặc trưng của mùa đông Hà Nội, ngay tại Penang.
Bên cạnh chuyện ngắm, ngửi và ăn, du khách đến Penang có thể đắm chìm trong những truyền thuyết gắn với các di tích lịch sử của các tộc người từng đến khai phá Penang. Đầu tiên phải kể đến văn hóa của người Hoa với các ngôi nhà dài, còn có tên là kongsi. Hiện vẫn còn tới 5 hội quán của người Phúc Kiến (Trung Quốc) di cư đến Penang cuối thế kỷ 19. Trong đó tiêu biểu là Khoo Kongsi với những hàng cột cao chống đỡ cho mái ngói đỏ thanh thoát, phía trên có chạm khắc hình rồng, phượng. Người Phúc Kiến thì ghi dấu ấn tại Penang bằng chùa Quan Âm đẹp nổi tiếng, có những trụ đá xanh có rồng uốn lượn. Ở khu ngoại ô Pulau Tikus có một ngôi chùa của người Thái tên Wat Chayamangkalaram với tượng Phật nằm dài lớn thứ ba thế giới. Tại đây có rất nhiều bình đựng di cốt được hỏa táng của các phật tử được đặt trong hốc tường sau tượng Phật. Ngoài ra, còn có một tượng hình con rắn Naga huyền bí, được xem là biểu tượng nối liền trái đất với thiên đường. Tham quan chùa không phải mua vé nhưng du khách không được phép chụp hình. Tiếp đó là các di sản của người Ấn như nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling do những người Ấn theo đạo Hồi xây. Đặc biệt, đền Sri Mariamman nằm trong khu Little India ở Georgetown là ngôi đền Hindu cổ nhất Malaysia. Đền có 40 pho tượng thần Hindu, nữ thần và những con vật thiêng - nhiều tượng nằm ở mặt tiền đền cao hơn 20 mét. Bên trong đền là những pho tượng Nam thần và Nữ thần Hindu. Riêng Lord Subramaniam đặc biệt vị thần được tôn kính nhất của đạo Hindu, làm bằng vàng, kim cương và đá quý. Chùa Kek Lok Si nằm trên đồi phía bắc Georgetown, giữa một không gian với cảnh vật rất đẹp. Được xây thành nhiều tầng lên cao đến đỉnh được gọi là “Ngôi chùa nghìn Phật”. Ở đó còn một ao rùa, những khu vườn, các lăng thờ và các tác phẩm điêu khắc tuyệt tác.
Penang cho du khách thú vui tận hưởng không khí biển – rừng mát lạnh và những bãi tắm mịn màng. Du khách thử đi xe lửa dây kéo lên đồi Penang để ngắm cảnh và ghé thăm những bãi biển trồng phi lao từ Tanjung Bungah đến Teluk Bahang. Đây là nơi tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng (resort) sang trọng và những điểm du lịch hấp dẫn như Bảo tàng Đồ Chơi, bảo tàng đầu tiên và lớn nhất châu Á về thể loại này. Bãi biển Batu Ferringhi ở phía Bắc hấp dẫn vì du khách có thể nằm sưởi nắng trên bãi, tắm biển thư giãn hay tham gia các trò chơi canô, lướt sóng, dù lượn trên không... Ban đêm, nơi đây luôn náo nức bởi các phiên chợ ngoài trời bán đồ trang sức, đồ lưu niệm, đồ ăn... Nếu muốn, du khách có thể tận mắt chứng kiến những nghệ nhân đang chế tác đồ thủ công và lụa batik tại khu chợ Feringghi sầm uất.
Trang trại bướm hay còn gọi là bảo tàng côn trùng sống nằm cách Georgetown 17km cũng là một địa chỉ thu hút nhiều du khách, đặc biệt là các nhà côn trùng học. Trang trại rộng 0,8ha, nằm ngay gần các khu du lịch lớn. Ở đây có hơn 120 loài bướm khác nhau với chừng 4.000 con. Khi đến tham quan, nếu khách mặc những chiếc áo có màu sắc sặc sỡ, sẽ được những chú bướm bu lại đậu trên người.