Non nước Việt Nam

Mơ chua, sắng ngọt, củ mài thơm: Đặc sản Hà Nội (Hà Tây cũ)

Cập nhật: 24/11/2008 10:31:02
Số lần đọc: 2269
Ai đi trẩy hội chùa HươngLàm ơn gặp khách thập phương hỏi giùmMớ rau sắng, quả mơ nonMơ chua sắng ngọt biết còn thương chăng?

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ). Đến chùa Hương, du khách thường được nghe câu ca trên và mua “mơ chua, sắng ngọt” về làm quà.

Mơ cùng họ với mai. Tùy màu sắc hình dáng và chất lượng của quả mơ, người ta chia làm các loại: mơ nứa có quả to tròn, nhiều nước, vỏ hơi trắng; mơ đào có đầu nhọn, hình trông như quả đào; mơ chấm son (hay còn gọi là mơ mép giải) không to lắm, có chấm đỏ; mơ bồ hóng thì trên vỏ có chấm đen. Quả mơ là món quà quý của Hương Sơn, thường được dùng để làm nuớc giải khát hay chế biến thành rượu mơ. Theo sách thuốc “Nam dược thần hiệu” của cụ Tuệ Tĩnh: “Quả mơ muối có vị chua, tính hàn không độc, trừ nhiệt, chỉ huyết, sanh tân dịch (nước bọt), lợi cuống họng, trị trúng phong, tiêu đờm, chữa lỵ” nên mơ còn là vị thuốc hay.

Hà Tây còn một đặc sản nữa là rau sắng. Tuy tên gọi là “rau” nhưng cây sắng lại thuộc loại thân “mộc” và người ta dùng lá non và hoa của nó để nấu canh. Cây sắng mọc trên núi đá vôi, thân to, cao, hoa lấm tấm như hoa ngâu. Muốn hái lá non thì phải trèo lên cây mà hái. Những chiếc lá non của nó trông óng ả, mỡ màng. Lá non của cây sắng bị hái hết lớp này lại mọc ra lớp khác. Hoa sắng nấu canh ngọt hơn lá sắng. Khi nấu canh rau sắng, người ta chỉ nấu suông chứ không chung với thịt, cá nhằm giữ lại hương vị tinh khiết của rau.

Canh rau sắng đã ngon, nếu có thêm củ mài còn ngon hơn nữa. Củ mài Hương Sơn không chỉ dùng để nấu canh mà còn dùng để nấu chè. Người ta đem củ mài xát ra thành bột rồi mang chế biến. Chè củ mài thơm mát và trong như thủy tinh. Củ mài mọc ở chỗ có đất lẫn với đá núi nên đào rất công phu. Vì vậy, củ mài được những người sành về ẩm thực chọn là một trong những đặc sản Hương Sơn.

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT