Non nước Việt Nam

Bình Liêu (Quảng Ninh): Độc đáo bánh gio ngày Tết Đoan Ngọ của người Tày

Cập nhật: 09/06/2016 08:26:31
Số lần đọc: 1807
Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), trên mâm cỗ thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Bình Liêu không thể thiếu món bánh gio. Để có món bánh gio thơm ngon không hề đơn giản nhưng từ bao đời nay, người Tày ở Bình Liêu vẫn giữ được phong tục tốt đẹp này.


Bà Chu Thị Tào, ở thôn Nà kẻ, xã Tình Húc gói bánh gio để dùng trong dịp Tết Đoan ngọ 2016.

Mỗi địa phương và dân tộc đều có những đặc trưng văn hóa ẩm thực với những món ăn độc đáo. Ở Bình Liêu, bánh chưng thường được người Tày gói để cúng giỗ tổ tiên vào các dịp Tết. Nhưng mỗi dịp Tết, bánh chưng lại mang một hương vị riêng biệt. Vào Tết Nguyên đán, nhân bánh thường là lá cơm lông với thịt hay nhân đỗ xanh với thịt. Còn vào ngày Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), bánh chưng lại mang một hương vị độc đáo riêng, bởi bánh mùa này không có nhân, mà gạo dùng để gói bánh được ngâm từ nước tro nên gọi là bánh gio (theo tiếng Tày bánh gio có nghĩa là “kèm đắng”).

Đối với dân tộc Tày trên địa bàn huyện Bình Liêu, bánh gio là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày Tết Đoan ngọ. Bánh gio được làm từ những nguyên liệu đơn giản, sẵn có như: gạo nếp, lá bông chít, các loại cây mọc ở bờ suối hoặc trên núi, theo tiếng Tày gọi là “mạy tắp tắng”, “mạy tặp xèn” hay “mạy cạy”,… “Để hoàn thành một mẻ bánh gio thơm, ngon, người làm phải tốn rất nhiều công sức. Bên cạnh việc phải chọn loại gạo nếp chuẩn, còn phải đãi sạch, không sạn, không lẫn gạo tẻ; phải đi xuống suối hoặc lên rừng chặt cây, phơi khô, đốt thành tro để nguội, sau đó, lấy tro đấy hòa cùng với nước để lắng lại rồi chắt lấy nước trong, đun sôi để nguội và dùng nước này ngâm gạo nếp đã đãi sạch khoảng một tiếng rồi vớt ra, để ráo, rồi gói bánh. Để có được độ vàng, không bị nồng, tỷ lệ nước tro ngâm gạo gói bánh phải hài hòa,” bà Tô Thị Liên ở thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu chia sẻ.

Cũng như gia đình bà Tô Thị Liên, bà Chu Thị Tào, thôn Nà Kẻ, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu cũng đang tất bật chuẩn bị các nguyên liệu như lá bông chít, chắt nước tro,…để gói bánh cho gia đình. Bà Chu Thị Tào cho biết: “Mỗi năm người Tày chúng tôi làm loại bánh gio này 1 lần vào ngày Tết Đoan ngọ (diệt sâu bọ), ngoài để thờ cúng tổ tiên, chúng tôi còn muốn giáo dục con cháu nhớ đến phong tục gói bánh truyền thống của dân tộc mình”.

Bánh gói xong thường được luộc từ 10 đến 12 tiếng để đảm bảo độ dẻo, mềm. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm nước tro, nên có vị thanh mát, thơm dẻo, dễ tiêu hóa và không dễ bị thiu như những loại bánh có nhân. Khi luộc chín bánh có màu vàng nâu trông rất bắt mắt, hấp dẫn, thường được ăn kèm với đường hoặc mật ong.

Trước mọi biến đổi của cuộc sống, người Tày Bình Liêu vẫn giữ được cách làm truyền thống của món bánh gio – món ăn dân giã mang đậm vị thanh mát của nếp, nồng nồng của gio và lá bông chít quyện lẫn vào nhau./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT