Trống đồng-hội tụ và tỏa sáng văn minh thời đại Hùng Vương
Nhưng hai chữ này, vào trong sử sách, và chốt lại ở đấy, thành ra tên gọi - đại trà và truyền thống - của di vật (linh vật, báu vật) này là lần đầu tiên, lại được người nước ngoài ghi nhận trong bộ "Hậu Hán thư", có tuổi thế kỷ 5 sau Công nguyên, và là: cổ thư Trung Quốc! Có nghĩa: hai chữ (từ, tiếng) "Trống đồng", vốn chỉ là dịch từ nguyên văn hai chữ "Ðồng cổ", là tiếng (cách) gọi tên của người phương Bắc, ở cả nghìn năm sau thời gian xuất hiện và thông dụng vật thể này, của (và ở) nước ta.
Những vật thể mà hơn nghìn năm sau được người Trung Quốc gọi là "Ðồng cổ", để rồi nghìn năm sau nữa tiếng Việt thành "Trống đồng" ấy, khi mới bắt đầu được Tổ tiên dân tộc ta tạo tác vào thế kỷ 7 trước Công nguyên - chính là vào thời Hùng Vương - đã có hai đặc trưng hình thể được hậu thế chú ý: một là kiểu dáng (cấu trúc) ba phần (tầng) rành rẽ, và hai là hệ thống hoa văn cảnh vật (sinh vật và cảnh tượng) rất phong phú.
Những gì được phảng phất bảo lưu (bằng ngôn từ và lễ tục) trong bài mo - sử thi "Ðẻ đất đẻ nước" của đồng bào Mường, đã cho phép liên hệ - so sánh mà giải mã - nhập diện thực chất và ý nghĩa, giá trị của "Trống đồng" qua hai đặc trưng ấy. Ðó chính là mô hình vũ trụ theo quan niệm của người Việt cổ.
Có thể hình dung cái mô hình vũ trụ ấy, là gồm "ba tầng, bốn thế giới":
"Tầng trên", tương ứng với phần mà thời sau gọi là "mặt trống đồng", gồm hai thế giới: Trời ("Mường blời") tượng trưng bằng hình mặt trời tỏa các tia sáng (mà có người gọi bằng tên: "ngôi sao") và Ðất ("Mường tất") tượng trưng bằng các cảnh nhà cửa, người, chim, thú... (mà cũng có người gọi là cảnh "hội làng", "hội cầu mùa" vận hành quanh mặt trời, theo chiều quay ngược kim đồng hồ).
"Tầng bên" (cạnh), tương ứng với phần "tang trống đồng" - vẫn theo cách gọi ở thời sau, là "thế giới nước" ("Mường nác"), tượng trưng bằng các hình thuyền, người chèo thuyền ("bơi chải"), cá ("giao long"), chim nước ("hậu điểu"...).
"Tầng dưới", tương ứng với phần "thân Trống đồng", là "Cõi âm" ("Mường âm phủ", ở đó, có hình tượng tổ tiên, với bộ trang phục hình chim - vật tổ).
Như vậy, sản phẩm của việc cụ thể hóa (hình tượng hóa) quan niệm về vũ trụ của người Việt cổ như thế này, ngay khi mới được tạo tác - cùng lúc với việc xuất hiện các Vua Hùng đầu tiên - thì đã vừa có tính linh thiêng của việc thu cả đất trời vào một vật thể, vừa mang cả giá trị của sức lực và quyền uy trần thế, thu vào cho ai làm ra (đúc được) cái phẩm vật không chỉ diệu kỳ các giá trị trừu tượng, mà còn chính là nơi hội tụ của khả năng và kỹ thuật - công nghệ: khai thác quặng mỏ, luyện kim đúc đồng, sáng tạo nghệ thuật (tạo dáng, trang trí)...
Vì thế, cái mô hình vũ trụ bằng đồng này mới/bèn kiêm luôn chức năng là/làm cây quyền trượng, biểu tượng cho vị thế và quyền lực của người tạo tác hoặc sở hữu được nó. Ðây chính là điều mà các sử liệu về sau - ở thời trung cổ và cận đại - đã phản ánh: Ai đúc (hoặc đào tìm) được "trống đồng", thì liền nhân đó mà "tiếm xưng vương hiệu!".
Sau dăm ba thế kỷ làm chức năng và mang giá trị của "mô hình vũ trụ" và "quyền trượng" như thế, vật thể bằng đồng này mới được phát hiện thêm công năng, là: có thể tạo âm và phát âm - từ sức rung động của kim loại khi có tác động từ bên ngoài (đụng chạm) vào "tầng trên", được cộng hưởng (khuếch âm) bên trong "tầng bên" và "tầng dưới" - thành những âm thanh giống như tiếng sấm! Ðấy chính là phát hiện của (ở) thời gian một vài thế kỷ trước sau Công nguyên- niên đại của việc người Việt cổ gắn thêm những tượng cóc vào chỗ tượng trưng cho "thế giới Ðất" (Mường tất) ở quanh "Mường blời" (trời) tại "tầng trên" của mô hình vũ trụ và cây quyền trượng, được sáng tạo từ thế kỷ 7, trước đây.
Một chuỗi liên hệ tâm linh và lô-gích đã được "lập trình": nếu đập "gõ" vào chỗ có hình tượng Mặt trời, thì vừa là động thái đánh thức (kêu cầu - kêu gọi) "ông Trời", vừa là động tác tạo âm - khuếch âm (thành tiếng sấm)! Con cóc (trong tự nhiên, và cả tượng nữa) vốn là "Cậu ông trời" và vốn hễ nghe có tiếng sấm là thường "nghiến răng chuyển động bốn phương trời", liền đó thì "trời đổ mưa"! Vậy là những cư dân nông nghiệp ở cuối thời Hùng Vương, mỗi khi cần nước (mưa) để làm (trồng) lúa nước đến đây và từ đây có thể sử dụng (công năng - chức năng) của một "nhạc cụ bộ gõ bằng đồng", với tên gọi - từ đây mới có, và được bảo lưu mãi về sau - là "Trống sấm"!
Cái cầu đã được bắc, để từ "Trống sấm" thành ra "Ðồng cổ" (trong sách "Hậu Hán thư") và "Trống đồng" (trong ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, thời trung cổ và cận - hiện đại).
Trở lại với bối cảnh của sự xuất hiện chữ (tên) "Ðồng cổ" ở khúc giữa lịch sử biến thiên của vật thể kỳ diệu đa năng thuộc/ từ thời Hùng Vương cổ đại này, thì đó là câu sử bút Trung Hoa trung cổ viết nguyên văn rằng: "Mã Viện ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ" (Mã Viện được trống đồng Lạc Việt ở Giao Chỉ)!
Viên tướng họ Mã đã (lấy, cướp) được trống đồng của người Việt cổ ở nước ta, để làm gì? Sách "Hậu Hán thư" chép rõ: để phá hủy, lấy nguyên liệu, đúc hai con ngựa bằng đồng, đem về Lạc Dương dâng vua!
Nhưng rõ ràng là chỉ một số lượng và bộ phận nào đấy trong số những vật thể gọi là "Ðồng cổ" (Trống đồng) của Tổ tiên ta bị cướp và hủy mà thôi. Bởi vì những chiếc "trống đồng" cổ nhất, đẹp nhất, quý nhất, luôn thuộc loại A1 trong bảng phân loại - xếp hạng các di vật này - mang các tên, gọi theo địa danh của/ ở nơi sau này tìm thấy chúng: "trống Ngọc Lũ", "trống Hoàng Hạ", và rất đặc biệt là "trống Ðền Hùng", "trống Cổ Loa"... - thì đều đã hóa ra là những cổ - báu - vật được chôn xuống sâu trong lòng đất! Có nghĩa là: người Việt cổ ở thời Trưng Vương nối - giữ nghiệp Hùng Vương, khi gặp cơn tai biến hủy diệt văn hóa, đã "hạ thổ" những mô hình vũ trụ - quyền trượng - trống sấm của mình, để lòng đất Mẹ bảo vệ và truyền lại cho muôn đời con cháu về sau!
Không chỉ cụ thể một phương thức là như thế, mà còn ở ngay trên mặt đất của cuộc sống dương thế hai nghìn năm nay, những chiếc "Trống đồng loại 1 Hê-gơ" ấy - như sức mệnh danh của học giả người Áo F.Heger trong cuốn sách nổi tiếng: "Những chiếc trống đồng cổ ở Ðông - Nam Á" - còn biết tự biến mình thành khối hình, tiền thân của/cho hàng loạt chế phẩm đồng dạng, nhưng có tuổi muộn hơn, tiếp theo và lan tỏa thành ra các loại "Trống đồng Hê-gơ 2", "Trống đồng Hê-gơ 3", "Trống đồng Hê-gơ 4", mà cũng được mệnh danh nữa - theo địa bàn sinh tồn của chúng - là "Trống đồng Hoa Nam", "Trống đồng Miến Ðiện" (Myanmar), "Trống đồng Thái-lan"...