Lễ hội Hoa Lư: Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa truyền thống
Lễ hội Hoa Lư trước hết là lễ hội truyền thống của chính những cư dân vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Cộng đồng dân cư nơi đây là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa của lễ hội này. Phần tế lễ cổ truyền gửi vào những nét văn hóa tâm linh niềm tự hào về truyền thống văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Lễ rước nước mang thông điệp của cư dân nông nghiệp lúa nước về ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ rước kiệu vừa gợi không khí linh thiêng, vừa mang ý nghĩa tâm linh cộng đồng, giàu sắc thái văn hóa của cư dân làng xã.
Ngoài ý nghĩa tôn vinh bản sắc của chính người dân địa phương vùng di sản, Lễ hội Hoa Lư còn là nơi các sắc thái văn hóa độc đáo của nhiều cộng đồng dân cư, địa phương khác được thăng hoa. Từ điệu múa trống Khánh Tiên tình tang, rộn ràng đến làn điệu chèo Khánh Mậu, Khánh Cường (Yên Khánh) ngọt ngào mê đắm. Từ nhịp chiêng cổ trầm hùng mang hồn rừng vía núi rừng Nho Quan đến điệu xẩm huê tình, buồn thương đến nao lòng vùng Yên Mô... Sự đa dạng các sắc thái văn hóa làm cho lễ hội có sức hấp dẫn riêng, chứng tỏ sự phát triển giàu có và năng động về văn hóa của cộng đồng, các địa phương trong tỉnh.
Điểm đáng quý là sắc thái văn hóa của các địa phương tuy khác nhau, phản ánh rất đậm đặc điểm điều kiện tự nhiên, xã hội cấu thành nó song các thành tố văn hóa này không đối chọi, loại trừ nhau mà bổ sung, ảnh hưởng lẫn nhau, làm tôn nên “tính thống nhất trong đa dạng” của văn hóa lễ hội Hoa Lư.
ở Lễ hội Hoa Lư, câu chuyện về bản sắc cũng được các nhà tổ chức quan tâm. Điển hình là có nhiều trò chơi dân gian truyền thống sinh động được tổ chức như thi nấu cơm, thi đi guốc 6 chân, đua thuyền, đấu vật, chọi gà, đánh cờ người, thi bắn nỏ... Trò chơi dân gian là linh hồn của các lễ hội truyền thống, nó làm cho quá khứ xích gần hơn với hiện tại, là sợi dây nối kết tinh thần giữa các thế hệ tuy cách xa nhau về thời gian nhưng cùng chung một cội gốc văn hóa, chung niềm kính ngưỡng với các giá trị tinh thần truyền thống.
Mùa lễ hội nào thì ngay từ khi tiếng trống khai hội cất lên cũng là lúc sới vật bắt đầu thi tài. Những lực sỹ từ vùng Yên Thịnh (Yên Mô), Yên Vệ (Khánh Phú - Yên Khánh), Định Hóa (Kim Sơn) lại nô nức tranh tài. Tiếng trống hội vật cùng với màn se đài ngộ nghĩnh như đốt nóng không khí lễ hội. Từ sới vật, vẻ đẹp của tinh thần thượng võ, hồn vía của những sinh hoạt cộng đồng cư dân nông nghiệp đặc trưng được phát lộ.
Hội thi chèo thuyền cũng là một nét văn hóa khác của người dân Cố đô Hoa Lư. Với đặc điểm bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, lịch sử, việc sử dụng thuyền đã có từ trong truyền thống của cư dân vùng đất này. Môn đua thuyền tại lễ hội bao giờ cũng được người dân và du khách chờ đón nhất. Ông Hoàng Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoa Lư-đơn vị tổ chức môn đua thuyền cho biết: “Dựa vào tập quán sinh hoạt, chiến đấu của người dân từ xa xưa trong lịch sử, Ban tổ chức đã cải biên một số điểm để phù hợp với tình hình hiện tại. Các hội viên Hội Nông dân 3 xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên vốn là các nhân viên chèo thuyền phục vụ tại các bến thuyền du lịch: Tam Cốc-Bích Động, Tràng An sẽ tham dự trò chơi đua thuyền. Trò chơi chèo thuyền nhanh và khéo vừa có ý nghĩa ôn lại truyền thống trong lịch sử của cư dân kinh đô Hoa Lư xưa, lại vừa mang tính giáo dục cộng đồng về các hoạt động phục vụ du khách tại các điểm du lịch, vừa là hoạt động giải trí phục vụ lễ hội mang ý nghĩa sinh hoạt văn hóa tinh thần cho hội viên nông dân”. Và bản thân hoạt động này cũng chính là một đặc trưng văn hóa lễ hội của lễ hội Hoa Lư.
Sự hình thành, tích tụ nên các giá trị của Lễ hội Hoa Lư là một quá trình lâu dài và chọn lọc. Qua Lễ hội Hoa Lư, ngoài các phần lễ được tổ chức trang trọng, có ý nghĩa giáo dục về mặt lịch sử cho các thế hệ, còn là nơi tôn vinh văn hóa truyền thống qua các phần hội được tổ chức công phu, kỹ lưỡng, làm nên sức sống mãnh liệt của lễ hội trong đời sống vùng đất Cố đô./.