Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở Tiên Yên – Quảng Ninh

Cập nhật: 08/02/2017 09:03:53
Số lần đọc: 1066
Là huyện có bề dày lịch sử, văn hoá lại có nhiều phong cảnh được tạo hoá ban tặng, Tiên Yên có hệ thống di sản văn hoá phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc. Xác định được tầm quan trọng của các di sản văn hoá trong sự phát triển của xã hội, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn.


Buổi sinh hoạt của CLB Nghệ thuật dân gian, Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, thời gian qua, Tiên Yên chú trọng tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá nói chung, bản sắc văn hoá dân tộc nói riêng trong mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác văn hoá cơ sở trong việc nhận biết các loại hình di sản văn hoá phi vật thể, vật thể; phương pháp điều tra sưu tầm hiện vật, cổ vật... Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số. Hiện huyện có 9 CLB dân ca dân tộc thiểu số mang bản sắc văn hoá dân tộc với sự quy tụ của các nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hoá dân tộc và lãnh đạo xã tham gia. Các CLB được quan tâm đầu tư hỗ trợ về nhạc cụ, trang phục biểu diễn, đồng thời mời nghệ nhân mở lớp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB. Đến nay, các CLB thường xuyên được duy trì và hoạt động hiệu quả trong các buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ thôn, xã, các lễ hội truyền thống và tham gia một số chương trình của huyện, tỉnh tổ chức. Các trường học trên địa bàn huyện, nhất là các trường THCS, THPT đều đã đăng ký gắn bó, bảo vệ, tôn tạo một “địa chỉ đỏ” - di sản văn hoá trên địa bàn. Ngành Giáo dục - Đào tạo với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có nhiều cố gắng khôi phục các trò chơi dân gian, đồng dao, dân ca, tổ chức tham quan học tập tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn đưa vào các hoạt động ngoại khoá của trường học. Đặc biệt, Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên còn thành lập được CLB Nghệ thuật dân gian với số lượng từ 20-30 thành viên. Em Tằng Thị Linh, lớp 10B, Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên chia sẻ: “Tham gia vào sinh hoạt CLB, chúng em được học đàn, học hát nhiều làn điệu khác nhau của các dân tộc, như: Hát then, hát soóng cọ... Để chúng em hiểu đúng, nắm chắc các làn điệu, nhà trường thường mời các nghệ nhân có kinh nghiệm từ các nơi về dạy. Trong đó có thầy Lương Thiên Phú ở Bình Liêu, cô Trần Thị Nguyệt ở xã Hà Lâu... Từ chỗ không biết nhiều đến nghệ thuật dân gian, hiện nay em đã biết và rất đam mê môn nghệ thuật này. Năm học 2015-2016, em còn vinh dự đạt giải nhì đơn ca Hội thi hoạ mi vàng cấp huyện”.

Bên cạnh bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian, huyện cũng quan tâm sưu tầm trang phục truyền thống, trang phục sử dụng trong một số nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Một số trường cũng đã đưa trang phục dân tộc, hoạt động biểu diễn làn điệu dân ca của dân tộc địa phương trong sinh hoạt văn nghệ, biểu diễn của nhà trường và tham gia biểu diễn của ngành; đưa việc thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán vào hoạt động ngoại khoá của học sinh. Việc mặc trang phục dân tộc Sán Chỉ của cán bộ công chức, viên chức vào thứ 2 hàng tuần đã được UBND xã Đại Thành thực hiện triển khai. Các lễ hội truyền thống đã được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục đảm bảo yếu tố gốc của lễ hội thu hút đông đảo bà con nhân dân tham gia như: Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, lễ hội cấp sắc của đồng bào Dao...

Đối với các di sản văn hoá vật thể, hiện toàn huyện có 4 di tích lịch sử, văn hoá xếp hạng cấp tỉnh, 17 di tích nằm trong danh mục quản lý của UBND tỉnh. Công tác đầu tư, tôn tạo di tích với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được huyện đẩy mạnh triển khai đã thu hút được sự đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân, góp phần trùng tu, bảo tồn các di tích khang trang, sạch đẹp hơn như: Khai quật di chỉ khảo cổ Hòn Ngò xã Đông Hải; lập quy hoạch quỹ đất cho 20 di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn... Huyện thực hiện gắn số treo biển cho 207 cây cổ thụ tại trung tâm huyện và các xã, thị trấn; tiến hành khảo tả, gắn số, chụp ảnh, lập hồ sơ lưu trữ  và duy trì bảo dưỡng, vệ sinh cho 30 cây cổ thụ tại trung tâm huyện. Huyện còn tăng cường kiểm tra, rà soát các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân, thủ nhang, người trông coi di tích, sư trụ trì thực hiện không đặt ảnh, tượng Bác Hồ tại các đình, đền, chùa; hướng dẫn việc di dời tượng Bác để đặt ở những nơi trang trọng như trong nhà hoặc cơ quan, công sở.../.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT