Non nước Việt Nam

Đến với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại "Làng": Trải nghiệm những điều thú vị

Cập nhật: 18/04/2017 10:51:04
Số lần đọc: 1834
Đến với Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc cũng như hòa mình vào các lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên mọi miền Tổ quốc.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, góp phần giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, qua đó tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Trong 8 năm qua, trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đã tổ chức các hoạt động phong phú đa dạng: giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, thao tác tay nghề, tái hiện lễ hội… từng bước đưa các hoạt động văn hóa vào dịp 19/4 hàng năm trở thành nề nếp, thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

 

“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” những năm qua là cầu nối giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nâng cao nhận thức và mở rộng hiểu biết về văn hóa giữa các dân tộc, từ đó tương trợ nhau cùng phát triển, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

 

Với chủ đề “Giai điệu từ núi rừng”, từ ngày 19/4 - 23/4/2017, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2017” được tổ chức gồm nhiều hoạt động chính sau: Chương trình nghệ thuật chào mừng mang đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam, với các nghệ nhân, nghệ sỹ các lứa tuổi, các loại nhạc cụ kể những câu chuyện bằng âm nhạc về truyền thống văn hóa của các dân tộc và cùng chung một bản hòa ca từ tất cả các nhạc cụ ca ngợi tổ quốc. 


Tiếp đó, là hoạt động trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”. Tại trưng bày các loại nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa với 3 loại nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang. Nhạc cụ dây gồm: Goong Kham (Ê Đê), Roong rơla (Mơ Nông), Poong pang (Mường)... Nhạc cụ hơi là nhạc cụ khi được tác động bằng không khí để tạo ra âm thanh, bao gồm các loại Pí (Pí tam lang, Pí đôi, Pí ló, Pí thiu, Pí phắp...), khèn (dân tộc Thái, Tà ôi, Pa cô..), K’long put (dân tộc Ba-Na, Xê-Đăng). Nhạc cụ tự thân vang gồm mõ, t’rưng (dân tộc Ba-Na, Gia Rai, Xê-Đăng) qua một số bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc.


Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng sẽ tái hiện một số lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của dân tộc Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản… Đây là nghi lễ mang tính thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng dân tộc Lô Lô...

Tái hiện Lễ bốc Mó của dân tộc Thổ Nghệ An: Từ xa xưa, trong tâm thức và tín ngưỡng của dân tộc Thổ, Lễ bốc Mó (Lễ cúng đền Mó, khai Mó nước đầu năm) là lễ tục đặc biệt quan trọng được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay Lễ bốc Mó vẫn được đồng bào tổ chức nhưng có phần mai một so với truyền thống trước đây. Để tổ chức Lễ cúng thần Mó, nhân dân chuẩn bị lễ vật chu đáo, đưa đến mó nước của làng, cắt cử thầy mo làm lễ cúng tế, cầu xin thần Mó, thanh niên trai gái trong làng tụ họp cùng khơi thông mó nước, tổ chức ăn uống, múa hát cồng chiêng, cầu cho mùa màng bội thu, xóm làng được yên bình, ấm no, hạnh phúc.


Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co. Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở Đông và Đông Nam Á, với mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy. Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa khích lệ, động viên các chủ thể thực hành Nghi lễ và trò chơi kéo co và trao truyền, quảng bá các giá trị đến cộng đồng do chính 2 chủ thể đại diện trực tiếp thực hành, có sự giao lưu, tương tác với khách du lịch.


Bên cạnh là một số các hoạt động khác như: Đồng diễn một số bài Yoga của các câu lạc bộ, thuyết trình, giao lưu văn nghệ truyền tải thông điệp về luyện tập sức khỏe, tinh thần của người Việt Nam. Biểu diễn Võ cổ truyền: Trình diễn, giới thiệu tinh hoa võ cổ truyền, vật dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển phong trào luyên tập võ cổ truyền, rèn luyện sức khỏe của nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc, tinh hoa võ thuật của dân tộc.


Ngoài ra, còn có các hoạt động hàng ngày: Tái hiện cuộc sống hàng ngày truyền thống của cộng đồng các dân tộc; Giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; Thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa…


Các hoạt động được tổ chức tại “Làng” nhằm thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Thu hút khách du lịch, tăng cường công tác quảng bá di sản văn hóa, giới thiệu về Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT