"Chợ tình Khâu Vai" – Đến hẹn lại lên
Nằm trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu Công nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, bởi không chỉ có những danh thắng nổi tiếng mà nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Cùng với hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, tôn tạo, Mèo vạc còn có các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị như: Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô, Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Múa trống của dân tộc Giáy, Lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông,… Đặc biệt không thể không nhắc tới Lễ hội Chợ tình Khâu Vai.
Lễ hội được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng… Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không thể đến được với nhau. Từ đó chợ tình Khâu Vai hình thành.
Chợ tình Khâu Vai dần dần đã trở thành điểm hẹn quen thuộc không chỉ của người dân địa phương, mà nhiều du khách thập phương cũng tìm đến đây. Họ tìm đến Khâu Vai để lắng đọng cảm xúc về câu chuyện tình yêu đôi lứa đầy xúc động. Bến đợi Khâu Vai cũng là bến đỗ của biết bao đôi lứa yêu nhau hẹn về một ngày duy nhất trong năm (27/3 âm lịch). Năm nay, ngoài địa điểm trung tâm xã, Chợ tình được tổ chức ở “Mê cung đá” hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Chợ tình Khâu Vai”, Lễ hội “Chợ tình Khâu Vai”, tỉnh Hà Giang năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 23/4. Hoạt động được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang; tái hiện những bản sắc văn hóa của đồng bào nơi công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào.
Lễ hội cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của các dân tộc vùng cao nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào 20 giờ, ngày 21/4 trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Hội thi chọi chim Họa mi, Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống... Bên cạnh đó, trưng bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và những sản phẩm văn hóa, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực đặc trưng của Hà Giang.
Đặc biết là các hoạt động cho du khách trải nghiệm, tham quan: Hóa thân thành đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian; trải nghiệm cưỡi ngựa trên “Cung đường tình yêu”; trải nghiệm nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc Giáy tại thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà; văn hóa Mông tại thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng; thăm quan những giá trị địa chất mới được khám phá tại “Mê cung đá” và trái tim đá, vách đá trắng ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi; thưởng thức ẩm thực vùng cao, các sản phẩm truyền thống địa phương tại Chợ đêm Mèo Vạc và ở xã Khâu Vai…
Chợ tình Khâu Vai được họp duy nhất một lần trong năm, là ngày hội dành cho những đôi trai gái dân tộc đến tìm hiểu và gặp gỡ nhau. Đặc biệt, đây còn là ngày hội của những người đã từng yêu nhau nhưng không đến được với nhau cùng tìm về để chia sẻ, hỏi thăm về sức khỏe, cuộc sống hàng ngày của nhau. Đây là phiên chợ ca ngợi tình yêu đôi lứa trong sáng có sức lan toả trong cộng đồng. Hiện nay, lễ hội này đang trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài bởi tính độc đáo và bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ.
Bà Nguyễn Thị Chanh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: Hiện nay, ngành du lịch của huyện có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng; khách du lịch tăng nhanh theo từng năm; hạ tầng du lịch được chú trọng đầu tư; các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, dịch vụ được mở rộng, gắn với đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ; sản phẩm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hợp tác du lịch bước đầu được đẩy mạnh.
Có thể nói, Mèo Vạc là điểm đến vô cùng thú vị, là nơi giao lưu văn hóa của địa phương và đưa văn hóa của địa phương giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, khi đến với Mèo Vạc du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng như "Di tích Danh lam thắng cảnh Quốc gia Mã Pì Lèng”, rừng “Hoa đá” Lũng Pù, Khâu Vai, “Hang rồng” xã Tả Lủng, Làng VHDL Lô Lô thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc... mà du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm những sản vật đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, du khách sẽ được giao lưu cùng các nghệ nhân dân gian của huyện qua các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ của các dân tộc trên địa bàn…/.