Tái hiện Lễ cúng giống lúa của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk
Tái hiện nghi lễ này là nghệ nhân A Ma Loan - làm chủ lễ và nhóm nghệ nhân đang tổ chức hoạt động hàng ngày tại Làng dân tộc Ê đê. Ảnh: Thu Loan
Lễ Cúng giống lúa được tổ chức tại mỗi gia đình người Ê đê, là giai đoạn thứ 2 trong vòng đời cây lúa, sau giai đoạn đầu tiên cúng rẫy để chuẩn bị đất cho vụ mùa. Đây là nghi lễ được tiến hành khi phát hoang, đốt rẫy, dọn đất… xong. Trong nghi thức cúng này, không chỉ cúng thần lúa mà còn cúng các vị thần khác, cầu cho các thần phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ cúng được tiến hành long trọng, tại gian khách của nhà dài. Lễ vật cúng gồm: con gà, một ché rượu, 1 bát tiết gà hòa rượu, hạt lúa giống, giống cây trồng, 1 ống bằng nứa, 2 cây chọc tỉa lúa, cuốc, ghè rượu.
Tại nghi thức đầu tiên này, chủ lễ hòa bát tiết gà hiến tế với rượu cần và khấn thần lúa cùng các vị thần mưa, thần sông, thần gió... về chứng giám buổi lễ. Sau khi khấn xong tại ché, chủ lễ tiến hành khấn lần 2 tại mâm cúng. Mâm cúng bao gồm một bát tiết gà hòa rượu, một con gà luộc chín, giống lúa và các giống cây trồng khác. Nội dung lời khấn cầu thần lúa, các thần mưa, gió… phù hộ cho mưa thuận gió hòa, hạt lúa, mùa màng tươi tốt. Chủ lễ ngồi bên mẹt hạt giống, tay cầm bát đựng huyết gà hòa với rượu miệng khấn cầu các thần. Khấn xong ông tưới rượu lên các cây gậy chọc lỗ, ống đựng lúa giống và các loại hạt giống.
Sau khi khấn xong, mọi người cùng uống rượu cần, bắt đầu từ gia chủ, phụ nữ được ưu tiên trước rồi đến các thành viên trong gia đình. Những người tham dự cũng được mời uống rượu cần thụ lễ và chia vui cùng gia đình.
Khi nghi lễ kết thúc, một chương trình văn nghệ nhiều màu sắc của các cộng đồng dân tộc đang tham gia các hoạt động hàng ngày tại Ngôi nhà chung. Du khách đến tham quan làng dân tộc Êđê đã được trải nghiệm và tìm hiểu một nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng dân tộc bản địa ở vùng Tây Nguyên xa xôi ngay giữa lòng Hà Nội./.