Phiên họp lần thứ 29 liên ủy ban của UNWTO: Thúc đẩy vai trò của du lịch bền vững trong Năm quốc tế 2017
Toàn cảnh phiên họp
Sự kiện do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) phối hợp với Bộ Hàng không dân dụng và Du lịch Bangladesh tổ chức, với sự tham dự của Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO Xu Jing, các quan chức UNWTO, Bộ Hàng không dân dụng và Du lịch Bangladesh, cơ quan quản lý du lịch các nước thành viên UNWTO, đại diện các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai nhận định giờ đây du lịch đã trở thành một phần trong lối sống của con người, trở thành một nhu cầu thiết yếu. Trong những năm qua chỉ có 2 thời điểm du lịch thế giới sụt giảm là vào năm 2004-2005 sau khi dịch SARS xảy ra, và năm 2008-2009 khi xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Kể từ đó, trong 7 năm liền du lịch thế giới liên tục đạt tăng trưởng.
Năm 2016, đã có trên 1,2 tỷ lượt khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới, tăng gần 4% so với năm trước. Du lịch đóng góp khoảng 10% GDP kinh tế toàn cầu, chiếm 30% tổng giá trị thương mại và dịch vụ; cứ 10 việc làm được tạo ra trên thế giới có 1 việc làm trong lĩnh vực du lịch. Du lịch hiện đã trở thành ngành kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.
Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai phát biểu tại phiên họp
Điểm qua tình hình du lịch các khu vực trên thế giới, Tổng thư ký Taleb Rifai bày tỏ sự ấn tượng đối với tăng trưởng của khu vực châu Á, trong khi thị trường châu Âu đang dần bão hòa. Về các thị trường nguồn, Tổng thư ký nhấn mạnh Trung Quốc hiện nay là thị trường nguồn lớn nhất của du lịch thế giới, năm 2016 đã có khoảng 135 triệu lượt khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, chi tiêu du lịch đạt 261 tỷ USD, vượt xa các thị trường nguồn khác. Trung Quốc đã trở thành một thị trường nguồn quan trọng, mang lại lợi ích cho nhiều điểm đến trên thế giới.
Ngài Taleb Rifai cho biết hiện nay du lịch thế giới đang đặt ra 3 ưu tiên và cũng là 3 thách thức cần được giải quyết: (1) An ninh, an toàn; (2) Nắm bắt sự phát triển của công nghệ số - yếu tố có thể làm thay đổi hành vi của khách du lịch; (3) Bảo đảm phát triển bền vững trong dài hạn.
Với sức lan tỏa của mình, sự phát triển của du lịch có thể mang lại tác động tích cực tới sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Một việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch có thể tạo ra 1,4 việc làm gián tiếp trong các lĩnh vực khác. Do vậy, du lịch ngày càng được chính phủ các nước quan tâm, lồng ghép vào nghị trình hành động quốc gia. Để bảo đảm sự phát triển của du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có, cần không chỉ tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư mà cần quan tâm thúc đẩy cả quan hệ hợp tác ngay trong khu vực công, giữa các cơ quan quản lý nhà nước của các ngành lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch, Tổng thư ký UNWTO nhấn mạnh.
Phiên họp đã rà soát lại kết quả hoạt động năm 2016-2017 và kế hoạch hoạt động 2017-2018 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các đại biểu tham dự phiên họp đã nghe báo cáo của Ủy ban Chương trình và Ngân sách, Ủy ban Du lịch và Bền vững, Ủy ban Du lịch và Cạnh tranh, Ủy ban Thống kê và Tài khoản vệ tinh du lịch; nghe báo cáo về dự thảo Công ước về bảo vệ du khách và quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ du lịch; Công ước về bộ quy tắc ứng xử trong du lịch. Bên cạnh đó là các thông tin cập nhật về các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của UNWTO, hoạt động của các thành viên liên kết của UNWTO, công tác chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 22 Đại hội đồng Tổ chức Du lịch thế giới, Ngày Du lịch thế giới năm 2019. Các đại biểu cũng thống nhất Phiên họp lần thứ 30 liên ủy ban khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và Nam Á sẽ diễn ra vào năm 2018 tại Fiji.
Với việc Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề năm 2017 là Năm quốc tế vì phát triển du lịch bền vững, Phiên họp nhấn mạnh Năm quốc tế 2017 sẽ tập trung thúc đẩy vai trò của du lịch đóng góp vào 5 lĩnh vực trọng tâm sau: (1) Tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng; (2) Công bằng xã hội, tạo việc làm và giảm nghèo; (3) Sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) Bảo tồn các giá trị văn hóa, sự đa dạng và di sản; và (5) Tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hòa bình và an ninh.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu đã cập nhật tình hình hoạt động ở mỗi nước liên quan đến hưởng ứng Năm quốc tế về phát triển du lịch bền vững 2017. Về phía đoàn Việt Nam, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) thông báo tới các đại biểu về hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững sắp diễn vào ngày 19/6/2017 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, hội nghị sẽ có sự tham dự của bộ trưởng du lịch các nền kinh tế APEC, các đại biểu cấp cao, chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác. Nội dung chương trình nghị sự của hội nghị đối thoại sẽ bàn về những vấn đề trọng tâm mà UNWTO đã đặt ra trong Năm quốc tế vì phát triển du lịch bền vững 2017.
Nhân dịp này, đoàn Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn về những hỗ trợ kỹ thuật của UNWTO đối với Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong việc tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao nhân dịp Đại hội Thể thao bãi biển châu Á diễn ra vào tháng 9/2016 tại Đà Nẵng; và trong công tác chuẩn bị cho tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Truyền Phương (từ TP. Chittagong, Bangladesh)