Hoạt động của ngành

Bán đảo Sơn Trà: Bảo tồn cần phải đi đôi với phát triển

Cập nhật: 31/05/2017 08:11:00
Số lần đọc: 1177
(TITC) – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5/2017, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà” nhằm mục đích lấy ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan liên quan về vấn đề phát triển du lịch tại Sơn Trà.

Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng... và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực du lịch, môi trường, kiến trúc, xây dựng...

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã nêu lại quá trình quy hoạch, phát triển du lịch ở Sơn Trà, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, ngày 16/10/2003 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó nêu rõ định hướng phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà. Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Trên cơ sở đó, từ tháng 5/2013, theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/11/2016 và mới được công bố ngày 15/2/2017 vừa qua. Quy hoạch này nhằm quản lý, kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà.

Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch nêu trên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số tổ chức có liên quan có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quy hoạch với những lo ngại ảnh hưởng đến việc bảo tồn, đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, hầu hết các kiến nghị liên quan đến những vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, về mô hình và cơ chế tổ chức hoạt động du lịch, về triển khai các dự án hiện có, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vấn đề hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh để hình thành khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Riêng kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhận định cần phải được xem xét thấu đáo vì đây là một vấn đề phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau. Thứ trưởng đặt vấn đề nếu thực hiện theo kiến nghị này thì việc xử lý các dự án đã được chấp thuận đầu tư tại Sơn Trà như thế nào? Phải chăng buộc phá dỡ toàn bộ các công trình đang xây dựng dở dang và huỷ bỏ tất cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai? Vậy giải pháp thoả đáng sẽ nên như thế nào?.

Thứ trưởng lưu ý, trước thời điểm tiến hành lập quy hoạch, UNND TP Đà Nẵng đã chấp thuận đầu tư cho 25 dự án tại bán đảo Sơn Trà, trong đó có 18 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong số 18 dự án này có 11 dự án đã được phê duyệt đầu tư với quy mô 5.049 phòng lưu trú. Việc này nằm trong thẩm quyền của UBND TP Đà Nẵng vào thời điểm đó do Sơn Trà chưa được quy hoạch là khu du lịch quốc gia và các nhà đầu tư có cơ sở pháp lý để bảo vệ các dự án của mình.

Thứ trưởng khẳng định, tọa đàm được tổ chức nhằm cùng trao đổi, xem xét một cách khoa học, khách quan, thấu đáo về các kiến nghị nêu trên, đặc biệt là vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại Sơn Trà, cũng như quy mô phát triển du lịch và tổ chức thực hiện quy hoạch như thế nào để bảo đảm bảo yêu cầu vừa bảo tồn vừa phát triển vừa bảo đảm an ninh quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Tại tọa đàm, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã giới thiệu khái quát về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Các đại biểu cũng đã lắng nghe ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trình bày những kiến nghị về vấn đề bảo tồn, phát triển du lịch tại Sơn Trà.

Bảo tồn cần đi đôi với phát triển

Liên quan đến những kiến nghị trên, đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, số liệu thống kê năm 2016 cho thấy tổng số cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng là 575 cơ sở với 21.324 buồng phòng, đón được gần 2,6 triệu lượt khách (trong tổng số 5,5 triệu lượt khách đến Đà Nẵng), đạt công suất buồng phòng khoảng 50%. Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm vào năm 2030 theo công suất buồng phòng thực tế thì Đà Nẵng cần có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà mới có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng nên việc giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp. Nội dung quy hoạch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 là phù hợp.

Cùng với đó, UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định quan điểm và đề xuất tiếp tục triển khai phát triển khu vực bán đảo Sơn Trà phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị. Việc quy hoạch, phát triển tại Sơn Trà theo hướng bền vững, đảm bảo phương châm bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phát huy bảo tồn.

Ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội  Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng cho rằng nếu chỉ giữ nguyên Sơn Trà sẽ trở thành đảo hoang. Con người phải tác động vào để phát triển Sơn Trà và mang lại lợi ích. Vấn đề là cần xác định khu nào cần bảo tồn, khu nào được phép phát triển. Khu được quy hoạch bảo tồn cần tạo ra môi trường sống tốt cho các loài động thực vật quý hiếm.

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đồng tình quan điểm vừa bảo vệ vừa sử dụng, phát triển Sơn Trà, nhưng không được can thiệp thô bạo vào cảnh quan, tài nguyên. Ông cũng cho rằng những hình ảnh san ủi mặt bằng xây dựng vừa qua trên bán đảo Sơn Trà gây ấn tượng không tốt, và nhấn mạnh cần có cách làm tốt hơn, làm cho cảnh quan đẹp hơn, điều đó là nằm trong khả năng. Ông Nguyễn Tấn Vạn đề xuất nên rà soát lại những dự án đang đầu tư vào Sơn Trà cả về mật độ, quy mô, kiến trúc xem có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của Sơn Trà hay không. Ông khẳng định không nên cấm đầu tư phát triển, nhưng làm thế nào để đảm bảo hài hòa bảo tồn và phát triển, do vậy cần những nhà quản lý tốt và những nhà đầu tư thông minh.

PGS.TS Đỗ Thu Loan, chuyên gia về quy hoạch xây dựng đánh giá cao đề án quy hoạch và cho rằng, quy mô 1.600 buồng phòng được đưa ra trong quy hoạch là khá tối thiểu, đã được đơn vị chủ trì nghiên cứu, phân tích và rà soát một cách thận trọng. Bà đề nghị Đà Nẵng cần ban hành quy chế kiểm soát các dự án đầu tư vào Sơn Trà, có chế tài xử lý nghiêm những dự án làm ảnh hưởng tới môi trường.

Về quy hoạch tổng thể, PGS.TS Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh đây chỉ mang tính định hướng, là khung phát triển cho điểm đến. Để có đánh giá chính xác cần dựa vào quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và xem xét tác động của từng dự án đầu tư cụ thể. Đồng thời, không nên coi xây dựng là phá hoại cảnh quan, môi trường. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch sau khi xây dựng xong đã tạo ra cảnh quan sinh thái hài hòa. PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cũng cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề điều chỉnh quy hoạch vào lúc này, bởi khi đi vào quá trình triển khai thực tế sau này, nếu thấy có vấn đề phát sinh và cần điều chỉnh thì vẫn có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

“Giảm số lượng buồng phòng xuống còn 1.600 là một quyết định dũng cảm”

Đối với việc quy hoạch đã giảm số lượng buồng phòng xuống còn 1.600 so với trên 5.000 đã được phê duyệt đầu tư, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định đây là một quyết định dũng cảm vì điều này liên quan rất nhiều đến lợi ích của các nhà đầu tư. Phải có quy hoạch này để kiểm soát hoạt động đầu tư phát triển tại bán đảo Sơn Trà. Vấn đề ở đây là thực hiện quy hoạch như thế nào để ít bị ảnh hưởng nhất tới môi trường. Không nên cực đoan một phía cho rằng chỉ nên bảo tồn, bỏ qua đầu tư phát triển. Cần hài hòa để bảo đảm lợi ích chung, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

Khẳng định một khu du lịch quốc gia cần phải có cơ sở lưu trú, ông Vũ Thế Bình cũng đồng tình cần phải có quy chế bảo vệ môi trường và giám sát các dự án đầu tư để không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường. Những đơn vị có hành vi vi phạm những điều khoản về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng xấu tới sinh thái cần có hình thức xử phạt nghiêm, cao nhất có thể thu hồi dự án.

Chia sẻ ý kiến quy hoạch tổng thể chỉ là bộ khung cho hoạt động phát triển, PGS. TS Phạm Trung Lương cho rằng khi chưa được triển khai trong thực tế, chúng ta không nên vội kết luận quy hoạch này sai, nhiều hay ít cơ sở lưu trú, bởi những đánh giá đó là quá sớm và thiếu căn cứ. Ngoài ra, quy hoạch tổng thể không phải là bất di bất dịch, nếu có vấn đề cần điều chỉnh thì vẫn có thể đề xuất.

Nhận xét về quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà, ông Lương cho rằng quy hoạch được lập khách quan, không chịu áp lực của các dự án đã được phê duyệt, giảm số lượng buồng phòng từ trên 5.000 xuống còn 1.600. Trong 4 phân khu chức năng của quy hoạch Sơn Trà, không gian sinh thái là lớn nhất, chiếm gần hết diện tích khu du lịch và chỉ sử dụng một phần rất nhỏ diện tích dành cho xây dựng cơ sở vật chất. Điều này cho thấy, các nhà lập quy hoạch đã rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái tại bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, quy hoạch này cũng đảm bảo các quy định về an ninh quốc phòng khi các khu chức năng du lịch đều được xây dựng ở dưới độ cao 150m so với mực nước biển.

Buổi tọa đàm cũng đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ quanh vấn đề này, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm bảo tồn cần đi đôi với phát triển. Nếu chỉ bảo tồn mà không phát triển thì sẽ không mang lại lợi ích, không góp phần phát triển kinh tế đất nước và cũng không có kinh phí dành cho bảo tồn. Vấn đề cần làm là phát triển một cách hài hòa, không làm tổn hại tới môi trường, không làm mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học. Với tinh thần minh bạch, công khai và cầu thị, trong thời gian tới Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức tọa đàm tại Đà Nẵng lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tại Đà Nẵng. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thực hiện: Hương Lê, Truyền Phương

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục